Ở phương Đông, nêu gương là một yêu cầu, một phương thức giáo dục đạo đức đã được người xưa áp dụng. Với tư cách là nhà tư tưởng, lãnh tụ của Đảng, nhà tổ chức và thực hành hoạt động cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý rằng, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Bởi lẽ, người nước ta cũng như các dân tộc phương Đông vốn rất giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Nêu gương trong cuộc sống trở thành yêu cầu, giá trị để mỗi tổ chức, mỗi cá nhân khẳng định vị thế, vai trò của mình trong đời sống cộng đồng; đó cũng là cơ sở để xã hội lựa chọn trao quyền, ủy quyền và đánh giá, thẩm định khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tất nhiên, tấm gương của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức được xã hội, cộng đồng thừa nhận, luôn phản chiếu trong đó hệ giá trị mà xã hội thừa nhận, tôn vinh.
Vì thế, đối với các cấp độ chủ thể quyền lực ở Việt Nam, hệ chuẩn cần nêu gương trong hoạt động chính trị, thực hành công vụ, từ lâu cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong nhiều bài viết dành cho cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người đã phân tích, lý giải khá tường tận nội hàm các tiêu chuẩn cốt yếu của người cán bộ.
Trong tác phẩm “Đời sống mới” viết cách đây hơn 70 năm, Hồ Chí Minh đã lưu ý: để thực hành việc nêu gương, không ngoài những việc rất đỗi thường tình - bốn điều: ăn, mặc, ở, đi lại. Đương nhiên, để đạt được 4 điều ấy thì phải làm.
Trong làm, Người đặc biệt chỉ ra vai trò quyết định của sản xuất của cải vật chất, đồng thời qua đó chỉ ra mối quan hệ, sự gắn bó giữa kết quả sản xuất với thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Bởi không cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất được ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần liêm và chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Không chỉ là người xác định nội dung, cách thức nêu gương, trong thực tiễn hoạt động cách mạng “vì nước, vì dân”, Hồ Chí Minh cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, với điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, với vị thế của Đảng cầm quyền, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất là Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cùng với việc xác định trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã có nhiều quyết sách để từng bước xây dựng được một môi trường xã hội dân chủ, cởi mở; phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, hiện tại tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Vì thế có thể xem đây là tình huống có vấn đề đòi hỏi Đảng phải có những quyết sách cụ thể hơn quy định trách nhiệm cho từng cấp độ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Vì thế, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là việc làm cấp thiết hiện nay.
Để có cơ sở cho việc nêu gương, thẩm định mức độ nêu gương của cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, trong giai đoạn hiện nay phải chăng cần:
Thứ nhất, thiết kế bộ tiêu chí phản ánh chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy nói chung, đức, tài, kỹ năng, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là những người đứng đầu nói riêng theo hướng lượng hóa càng nhiều, càng tốt. Bởi nhờ có những kết quả hoạt động mang tính thực chứng - đo lường và phản ánh khách quan bằng các thông số kỹ thuật, mới có thể khắc phục căn bệnh hình thức trong việc đánh giá con người, đánh giá cán bộ, đánh giá tổ chức.
Thứ hai, cần xây dựng những định chế, phản ánh mức độ “trọng dân, gần dân” của các cấp độ chủ thể. Nội dung các định chế này cần phản ánh tương đối toàn diện khả năng nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; bàn luận dân chủ, kỹ lưỡng trong quá trình xác lập những chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển đó.
Tính đúng đắn, hiệu lực - có tính khả thi, hiệu quả các quyết sách là tiêu chí phản ánh năng lực hoạch định, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền.
Thứ ba, đạo đức, lối sống gương mẫu của các chủ thể quyền lực ở nước ta hiện nay, suy cho cùng hướng tới mục tiêu tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò sáng tạo của các chủ thể nhận thức hành động, nhờ đó có thể huy động tốt nhất các nguồn lực khác trong bảo vệ và phát triển đất nước.
Bởi vậy, thước đo tài năng, năng lực lãnh đạo, quản lý - đặc biệt ở tầm vĩ mô phải được phản ánh thông qua các mức độ kiến tạo môi trường, điều kiện để có thể huy động mọi nguồn lực có thể góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ tư, mục tiêu của mọi hành động của các cấp độ chủ thể trong hệ thống quyền lực chính trị của chúng ta hiện nay là phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, của xã hội. Vì thế, cần hạn chế đến mức thấp nhất sự chi phối của các nhóm lợi ích trong việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở mọi cấp độ.
Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo hướng hiện đại, văn minh là một quá trình đầy khó khăn, phức tạp, khá lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, động chạm đến tập quán, tư tưởng, lợi ích của hàng triệu triệu con người.
Trên thực tế ở nước ta trong thời gian qua, bên cạnh những thành quả bước đầu đáng khích lệ, vẫn tồn tại không ít vấn đề bất cập, thậm chí có cả sai lầm mang tính chủ quan làm phương hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích thiết thân của các tầng lớp nhân dân.
Chỉ trên cơ sở sự nêu gương và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu mỗi cấp độ tổ chức quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước, với giá trị nhân văn - vì nước, vì dân của mỗi quyết sách của chủ thể lãnh đạo, quản lý mới đủ để thấm sâu và lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, trở thành bệ đỡ tinh thần, bảo đảm cho sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa Đảng với dân - động lực lớn lao để đất nước ta vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển.
H.T.S