Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ngay giữa mùa mưa là điều chưa từng có trong nhiều năm nay, tác động lớn đến đời sống của người dân thành phố. Trước thực trạng đó, người dân đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp sản xuất cấp nước.
Tối 7-11, Sở Xây dựng phát thông cáo báo chí nêu rõ nguyên nhân tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố trong những ngày qua, đề ra giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Một bản thông tin chính thống đáng lẽ phải được phát đi từ 7 ngày trước đó để người dân thành phố biết và không rơi vào cảnh bị động, lúng túng.
Trước đó, từ ngày 1-11, UBND thành phố đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có các nhà máy thủy điện xả nước về hạ du, bảo đảm cột nước cao trên 1,4m tại đập An Trạch để Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) khai thác nước thô dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất nước sạch.
Thế nhưng, 6 ngày sau, Dawaco mới có vài dòng thông tin ít ỏi đề nghị khách hàng sử dụng nước tiết kiệm do áp lực nước yếu (?!). Thiếu thông tin chính thống đã khiến dư luận nghĩ rằng ở đây có “lợi ích nhóm” liên quan đến dự án Nhà máy nước Hòa Liên trong khi dự án này còn vướng về chủ trương, phương thức, thủ tục hồ sơ đầu tư.
Qua thông cáo báo chí, Sở Xây dựng thông tin về quy hoạch cấp nước, chủ trương đầu tư cũng như tiến độ xây dựng nhà máy cấp nước mới tại Hòa Liên để bổ sung từ 120.000m3/ngày đến 240.000m3/ngày qua 2 giai đoạn. Mặt khác, từ nhiều năm trước, thành phố đã có hàng loạt phương án dự phòng, tăng cường nguồn cấp nước phục vụ dân sinh và sự phát triển của thành phố, trong đó có việc đầu tư, xây dựng mới Nhà máy nước Hòa Liên.
Quá trình lập dự án được thực hiện từ năm 2013, dự án này được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công - tư) do tư vấn Nhật Bản lập với tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA. Đến năm 2016, phương án trên bị tạm hoãn do nguồn đầu tư lớn, thời gian kéo dài.
Phương án tự chủ được lãnh đạo thành phố đề ra là giao Dawaco xây dựng phương án đầu tư bằng nguồn tự có (29%) và vốn vay để đầu tư nhà máy 120.000m3/ngày đêm, dự kiến làm nhanh để cuối năm 2020 là hoàn thành. Cùng với việc nghiên cứu phương án này, thành phố cũng có chủ trương cho đấu thầu dự án, kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao).
Sự trì hoãn, chậm trễ về tiến độ xây dựng nhà máy là đúng. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư một nhà máy cấp nước cũng chỉ là những công trình hạ tầng kỹ thuật. Đằng sau đó mới là bài toán nan giải như: vấn đề an sinh xã hội, kinh phí đầu tư từ tiền thuế của nhân dân thành phố. Đầu tư dự án nhà máy nước theo phương án từ nguồn vốn ODA với dự toán 4.500 tỷ đồng cùng lãi vay cuối cùng lại đẩy gánh nặng chi phí đến người sử dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, cơ chế về chủ trương, chính sách có nhiều rào cản. Theo đó, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) không đủ tư cách pháp nhân đầu tư dự án mà phải hình thành một công ty mới hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Bản thân Dawaco hiện tại không được phép hình thành một doanh nghiệp mới mà hạch toán độc lập và không có sự tham gia đầu tư và quản lý vốn từ người đại diện vốn Nhà nước tại Dawaco.
Việc có chủ trương đấu thầu dự án, kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT là bước tháo gỡ về vấn đề xác nhận chủ dự án đầu tư. Tuy nhiên, thêm lần nữa cơ chế, chính sách về đầu tư BT (đầu tư - chuyển giao), BOT trực tiếp tạo nút thắt khi thành phố triển khai dự án Nhà máy nước Hòa Liên.
Tính cấp bách của dự án Nhà máy nước Hòa Liên đã được chính quyền thành phố bổ sung vào nhóm dự án, công trình trọng điểm năm 2018. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên, cái được lớn nhất là quy hoạch dự án thủy điện sông Nam - sông Bắc được xóa bỏ, bảo vệ được gần 50% trữ lượng nguồn nước thô ở thành phố.
Đó là sự đồng thuận, xắn tay áo làm công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư tạo mặt bằng sạch để nhà đầu tư rút ngắn thời gian triển khai dự án. Đồng thời, không có sự bất nhất nào trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố mà luôn tập trung “gỡ vướng” để Nhà máy nước Hòa Liên sớm được triển khai.
Việc đầu tư một nhà máy nước là cấp thiết nhưng phải giải quyết bài toán về an sinh xã hội, làm sao quá trình vận hành khai thác vừa thúc đẩy phát triển thành phố, đồng thời bảo đảm giá thành phù hợp cho người dân sử dụng. Đây là điều mà lãnh đạo thành phố cần đặt lên hàng đầu khi quyết định đầu tư.
TRIỆU TÙNG