ĐNO - Theo ghi nhận, chỉ trong 4 ngày từ 16 đến 19-8, thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 519 ca nhiễm Covid-19; trong đó có 86 ca cộng đồng, chiếm tỷ lệ gần 17% tổng số ca phát hiện. Số ca phát hiện trong 4 ngày qua chiếm gần 30% tổng số ca nhiễm Covid-19 tính từ ngày 10-7 đến 16-8. Đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 với các chuỗi lây nhiễm có nguy cơ cao và rất cao.
Số liệu trên cho thấy tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp. Điều này, một lần nữa khẳng định sự cần thiết, quyết tâm và kiên định của thành phố với các biện pháp mạnh để thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” trong vòng 7 ngày để xét nghiệm, phát hiện, sàng lọc các ca F0 trong cộng đồng.
Kinh tế thành phố có thể suy giảm trong ngắn hạn, đời sống người dân có thể khó khăn hơn, nhưng không có gì quan trọng hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong bối cảnh hiện nay, đó là điều được nhiều người dân bày tỏ. Đại đa số người dân thành phố qua những chia sẻ trên mạng xã hội đều đồng tình ủng hộ, đánh giá đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thành phố đã đi đúng hướng trong việc thực hiện các biện pháp mạnh để kiểm soát Covid-19 trong thời gian qua và những ngày gần đây.
Nhưng để đi đến quyết định cuối cùng trong việc thực hiện các biện pháp mạnh, lãnh đạo thành phố đã hết sức đắn đo, cân nhắc, đã diễn ra nhiều cuộc họp với các ngành, các địa phương nhằm bàn sâu, tính kỹ các phương án xử lý hiệu quả những tình huống phát sinh đi kèm.
Trong một cuộc họp để triển khai thực hiện các biện pháp mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã nhấn mạnh, “đây là việc chưa từng có tiền lệ, được xem như trận đánh lớn, có tính chất quyết định của chúng ta trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, rất nhiều khó khăn, vướng mắc đang chờ chúng ta trong thời gian đến, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao mới bảo đảm sự thành công”. Bí thư Thành ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành bảo đảm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, “không được để người dân thiếu lương thực, thiếu đói trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”.
Hàng loạt các giải pháp được thành phố triển khai về vấn đề bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Phương án cung ứng kịp thời hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố theo phương châm 4 tại chỗ: “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng: “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương" với 3 phương thức cung ứng hàng hóa: thành phố hỗ trợ; đặt hàng thông qua Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn; khôi phục lại chợ truyền thống đã được thực hiện đồng bộ, đến thời điểm này về cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.
30.000 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hàng ngàn tấn rau củ quả do thành phố kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đã được chuyển đến tận tay người dân. Thành phố cũng quyết định bổ sung rau, củ quả hỗ trợ cho bữa ăn của công nhân lao động tại doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trong ngày hôm nay 20-8, ngoài 30.000 suất quà đã hỗ trợ, thành phố tiếp tục phê duyệt hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu trị giá 500.000 đồng mỗi suất cho 50.651 hộ người có công, hộ khó khăn trên toàn địa bàn thành phố và các quận, huyện tùy tình hình thực tế quyết định có thể mua hàng cung cấp hoặc cấp tiền cho hộ gia đình khó khăn.
Trước đó, thành phố đã triển khai chi trả hơn 50 tỷ đồng hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố.
Trong những ngày này, trên mạng xã hội có nhiều hình ảnh rau, củ, quả, quà hỗ trợ đưa đến các hộ dân được người dân chia sẻ kèm với đó là những lời động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Đó còn là những hình ảnh của các lực lượng cơ sở, lực lượng công an, dân quân trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình thực hiện giãn cách xã hội, hỗ trợ người dân gặp những khó khăn trong lúc này.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo hỗ trợ người dân như quận Sơn Trà thành lập tổ y tế hỗ trợ người dân trên mọi lĩnh vực liên quan đến y tế như mua thuốc, khám bệnh khi người dân cần; huyện Hòa Vang lên kế hoạch cho các địa phương phát huy nguồn cung ứng nhu yếu phẩm tại chỗ bảo đảm không thiếu, kịp thời…
Cũng trên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ, thành phố không nên dừng ở mức xét nghiệm 2 lần đối với toàn bộ hộ gia đình. Trong trường hợp cấp thiết, thành phố nên xét nghiệm tầm soát hơn nữa và kéo dài thời gian cần thiết để có số liệu đánh giá đầy đủ, chính xác về tình hình nhiễm bệnh ở từng khu vực, địa phương và cả thành phố.
Có thể nói, những ngày qua là những ngày mà tinh thần, sự đoàn kết, đồng lòng của người Đà Nẵng được thể hiện cụ thể nhất. Dẫu chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, khó khăn nhưng tất cả chúng ta đều hy vọng với sự chung sức, đồng lòng của người dân thành phố, những nỗ lực hết mình của các lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, Đà Nẵng sẽ sớm đi qua những ngày gian khó để bình yên trở lại.
HOÀNG PHAN