Thời sự và bàn luận

Tiếp sức cho người lao động

08:15, 03/08/2021 (GMT+7)

Trong gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng có 12 chính sách.

Trong đó, chính sách thứ 12 đề cập đến người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Khoản trợ cấp được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động. Gói hỗ trợ này được các địa phương nhận xét là thiết kế đơn giản và nhóm được hỗ trợ dễ dàng tiếp cận.

Thành phố Đà Nẵng bổ sung 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo cơ chế riêng, gồm đối tượng người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động tự do làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình…

Đặc biệt, thành phố đưa những người làm các việc như đạp xích lô, chạy phương tiện thô sơ, người làm dịch vụ tắm biển, đang cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú), đúng “người thật, việc thật” sẽ được hỗ trợ. Để nắm được danh sách lao động tự do và xử lý nhanh nguồn kinh phí, các địa phương đang triển khai thông báo đến từng tổ dân phố, phấn đấu trong thời gian sớm nhất số tiền hỗ trợ đến tay người lao động.

Có thể nói, Nghị quyết số 68/NQ-CP thể hiện tính nhân văn với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Nghị quyết quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện. Đó là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách Nhà nước ở Trung ương và ngân sách Nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố). Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa nghị quyết nhanh vào cuộc sống, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hiện nay, phần lớn các đối tượng được hưởng trợ cấp đã và đang được nhận hỗ trợ. Riêng nhóm lao động tự do còn phải chờ xác minh thông tin từ tổ dân phố, Ban công tác mặt trận địa phương. Song đều trên mục tiêu hỗ trợ nhanh, không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng. Con số mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đưa ra là có khoảng 25.000 lao động tự do được hưởng hỗ trợ đợt này, cao hơn năm trước do bổ sung thêm ngành nghề của người lao động.

Phần lớn người lao động tự do là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, nhất là khi thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19. Năm 2020, họ khó tiếp cận kịp thời và đầy đủ gói cứu trợ do người lao động tự do luôn di chuyển ở các địa phương, công tác lấy xác nhận địa phương của người lao động với chi trả ở địa phương khác rất khó kiểm soát. Năm nay thủ tục chỉ cần dựa vào sổ tạm trú, có xác minh nơi ở là họ được hỗ trợ. Điều này cần đến sự tận tâm của những người thực thi.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các quận, huyện, phường, xã đều nhấn mạnh đến yếu tố địa phương nào hoàn thành thủ tục trước thì sẽ chi trả trước, đủ điều kiện sẽ giải ngân, không chờ gộp tất cả các phường, xã để quận/huyện chi trả một lần. Thời gian tiếp nhận thông tin về phường chậm nhất vào khoảng 25-8, để hoàn thành chi trả trước 31-8 năm nay. Đây cũng là tinh thần chung của Chính phủ và mọi cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc thực thi Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Năm 2020, Đà Nẵng chi trả 305 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19. Năm nay, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và kế hoạch số 135/KH-UBND là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại, giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để đứng vững, vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh, tiếp tục sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường lao động.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 68/NQ-CP và các kế hoạch của từng địa phương sẽ tạo thêm niềm tin, động lực cho người lao động và doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Để hỗ trợ từng nhóm đối tượng kịp thời, yêu cầu những người thực hiện không buông bỏ trách nhiệm, nhìn thấy thấu đáo những khó khăn hiện hữu trong từng gia đình để rà soát từng nhóm được thụ hưởng và chi trả ngay. Các địa phương nỗ lực trong quá trình thực hiện thể hiện quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, đây không đơn thuần là trách nhiệm, bổn phận phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền mà còn là nghĩa đồng bào hỗ trợ nhau trong khó khăn, hoạn nạn.

HOÀNG NHUNG

.