Đã tròn một tháng kể từ ngày UBND thành phố ban hành văn bản số 7009/UBND-KGVX về áp dụng một số biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” trên địa bàn Đà Nẵng. Nhịp sống bình-thường-mới lại trở về với thành phố. Các cơ quan công sở, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại.
Thành phố đã tích cực chuẩn bị phương án và kế hoạch đón những đợt khách du lịch đầu tiên sau một thời gian dài vắng bóng. Không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân, nhất là người già và em nhỏ đã rộng mở, thông thoáng. Nhớ lại buổi sáng đầu tiên sau nới lỏng cách ly, mặc dù trời mưa, nhưng đường phố vẫn đông chật những dòng người. Xe máy, ô-tô đậu kín trước các tiệm cà phê. Không chỉ giản đơn là chuyện ẩm thực, mà còn là nhu cầu gặp gỡ hàn huyên sau nhiều ngày giãn cách.
Sau những phút giây cảm xúc thăng hoa đó, mọi người trở nên điềm tĩnh hơn, và một câu hỏi đã trở nên quen thuộc lại được đặt ra: liệu Covid-19 với nhiều biến thể lạ có thể lại xuất hiện trong đời sống thường nhật, phá bỏ trạng thái bình thường mới của chúng ta hay không. Và quả thực, chỉ được vài ngày tương đối yên ả, đã lại xuất hiện những thông báo của UBND một số phường trong thành phố, tìm người từng đến một đám tang, rồi sau đó lại tìm người vào một siêu thị, tìm người từng đến một tiệm cà phê, một phòng tập gym…
Gần đây nhất, những người từ các địa phương khác đến và người Đà Nẵng từ các địa phương khác trở về đã bị phát hiện dương tính; cộng với những ca mắc mới trong cộng đồng, một số phường đã trở lại vùng vàng, có nơi là vùng cam…Thực tế ấy đã đưa ra một lời cảnh báo: Covid-19 vẫn sẽ tồn tại dai dẳng, vấn đề là chúng ta sẽ phải có cách tồn tại an toàn bên cạnh chúng mà thôi. Một tâm thế, một cách sống bình thường mới, sẵn sàng đón nhận thách thức, chủ động đối phó với kẻ thù vô hình vẫn đang chực chờ gây rối, phá hại cuộc sống an bình của chúng ta!
Đến hôm nay, hầu như các chuyên gia dịch tễ trên toàn cầu đều cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người, và khó có thể khẳng định việc sẽ xóa bỏ nó hoàn toàn như những tuyên bố lâu nay. Thậm chí các chuyên gia còn cho rằng Covid-19 có thể sẽ là “phần tất yếu” của đời sống nhân loại.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã thay đổi chiến lược phòng, chống dịch bệnh theo hướng này. Và như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh, từ chiến lược “Zero Covid-19” (loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh) sang chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”.
Ở nước ta, nhờ chủ động phòng ngừa từ sớm, cộng với phương pháp tiếp cận xã hội và sự hợp tác của người dân nên tác hại của các đợt dịch đầu tiên không thật sự nghiêm trọng. Nhưng đợt dịch thứ tư bùng phát với cường độ mạnh vừa qua, tâm lý xã hội lại trở nên có phần nặng nề. Ở những tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, hiện tượng người dân - trong đó có nhiều người là công nhân trong các khu công nghiệp - tìm đường về quê đã gây nên những xáo trộn nhất định trong trật tự an toàn xã hội. Các thế lực chống đối lợi dụng tình hình này, đẩy quá mức những cảm xúc thương tâm, xuyên tạc chủ trương chính sách chăm lo cho người dân trong tâm dịch của Đảng và Nhà nước ta.
Giữ tâm thế vững vàng trong trạng thái bình thường mới đồng nghĩa với việc xóa bỏ tâm lý thường thấy ở số đông trong cộng đồng, đó là: khi bùng phát dịch thì lo sợ, thủ thế, đề phòng quá mức; nhưng khi dịch tạm lắng thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Vì vậy, điều quan trọng là luôn tạo thế chủ động, bình tĩnh đối mặt với những thách thức mới do dịch bệnh gây ra. Công tác tư tưởng của hệ thống chính trị lúc này chính là tạo được trạng thái cân bằng, tạo tâm thái điềm tĩnh trong cách nhìn, cách hành xử trước diễn biến phức tạp khó lường của các biến thể virus SARS-CoV-2.
Mỗi người dân cũng cần hiểu đúng về dịch bệnh, nâng cao nhận thức về dịch bệnh, chấp hành những quy định do Bộ Y tế và UBND thành phố đề ra. Lúc này, bên cạnh xây dựng và củng cố niềm tin chung vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong phòng, chống, chữa trị bệnh, chống lại mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, còn cần tuyên truyền giải thích và tạo niềm tin vào những điều rất cụ thể như tin vào hiệu quả của biện pháp 5K, tin vào khả năng phòng ngừa của các loại vắc-xin để tự giác tiêm phòng khi có điều kiện.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, điều rõ ràng là ý thức người dân mang ý nghĩa rất quan trọng. Đại diện của WHO tại Việt Nam trong những phát biểu của mình đã nhiều lần tỏ ý khâm phục ý thức của người dân Việt Nam trong việc hợp tác với chính quyền tham gia chống dịch kết hợp với ý thức bảo vệ bản thân. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa thực hiện nghiêm túc những quy định đề ra. Văn minh công cộng, văn minh đô thị trong thời điểm này không tách rời ý thức và hành động cụ thể trong hướng dẫn phòng, chống dịch của ngành y tế và của địa phương.
Trước đây, trong chiến tranh ác liệt, trong thế “cài răng lược” địch-ta, giành giật, giằng co quyết liệt, chúng ta đã có phương châm: địch đến, ta tập trung chống càn; địch đi, lại tăng gia sản xuất, sinh hoạt bình thường. Giờ đây, coi Covid-19 là “giặc”, “chống dịch như chống giặc”, phải trở lại với phương châm trong những ngày còn chiến tranh: luôn bình tĩnh, luôn chủ động, giặc đến thì ta đánh giặc, giặc đi thì lại sản xuất với nhịp sống bình thường. Khái niệm “bình thường mới” không phải chỉ mới xuất hiện trong những ngày Covid-19 mà nó đã có từ rất lâu trong đời sống dân tộc chúng ta.
NẠI HIÊN