Chung sức, đồng lòng, từng bước đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường

.

Qua 5 đợt xét nghiệm trên phạm vi toàn thành phố đã phát hiện 2.400 ca mắc Covid-19. Đồng thời, qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình, Đà Nẵng phát hiện 265 trường hợp mắc Covid-19 và từ những trường hợp này tiếp tục ghi nhận thêm 828 trường hợp dương tính có liên quan, chủ yếu tập trung trong hộ gia đình. Cũng trong thời gian qua, cả thành phố ghi nhận số lượng ca nhiễm được chữa khỏi Covid-19 xuất viện ngày càng nhiều, tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 luôn ở mức thấp. Điều này một lần nữa cho thấy các biện pháp mạnh mẽ trong vòng 20 ngày qua với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền thành phố đã phát huy hiệu quả. Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm và sàng lọc các trường hợp F0 trong cộng đồng.

Có thể khẳng định, nếu Đà Nẵng không áp dụng các biện pháp mạnh với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” thì với mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan của biến chủng Delta, số ca nhiễm sẽ tăng lên gấp nhiều lần và với năng lực hiện tại của hệ thống y tế, chúng ta sẽ không thể nói trước được điều gì. Qua kết quả của 5 lần xét nghiệm, Đà Nẵng đã có được một bức tranh tổng thể, đầy đủ hơn về tình hình dịch bệnh để có những bước đi và biện pháp phù hợp hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Trên cơ sở đó, toàn thành phố đã xác định được các vùng nguy cơ với dịch bệnh được quy định tương ứng với các vùng đỏ, vùng xanh, vùng vàng. Đồng thời, cả thành phố chuyển dần trạng thái ứng phó với dịch bệnh, bắt đầu từ 8 giờ ngày 5-9-2021, áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30-7-2021 của Chủ tịch UBND thành phố với từng cấp độ nguy cơ. Với mỗi vùng, sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp tương ứng với từng vùng, không áp dụng chung một biện pháp cho cả thành phố. Ngành y tế và các địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm soát, quản lý chặt chẽ từng khu vực để rà soát, tiếp tục bóc tách các F0, tiến đến thu hẹp vùng đỏ, vùng vàng, mở rộng và giữ vững vùng xanh.

Kết quả đạt được vừa qua trong bối cảnh nhiều khó khăn trong đời sống xã hội sẽ tiếp thêm niềm tin và hy vọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng điều đó cũng không cho phép chúng ta được chủ quan. Trên thực tế, Đà Nẵng vẫn đứng trước một số nguy cơ bùng phát dịch từ các ca F0 sót trong cộng đồng, nguồn lây lọt từ khu phong tỏa ra bên ngoài, cũng như các nguy cơ tiềm ẩn từ các hoạt động giao thương hàng hóa, thực phẩm vào thành phố trong bối cảnh các địa phương đều đang ứng phó với Covid-19.

Cùng với đó, trên cơ sở số lượng vắc-xin được phân bổ và thực nhận, ngành y tế thành phố đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Từ ngày 8-9 đến hết ngày 11-9, Sở Y tế thành phố tổ chức tiêm cho hơn 92.000 người dân trên địa bàn thành phố tại 66 điểm tiêm đặt tại 9 địa điểm. Đây là đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng.

Sáng ngày 5-9, đến kiểm tra công tác tiêm vắc-xin tại Khu ký túc xá phía tây thành phố (quận Liên Chiểu), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, nhiệm vụ tiêm chủng hiện nay rất cấp bách bên cạnh các nhiệm vụ phòng, chống dịch của thành phố. Vì vậy, thành phố đã có kế hoạch, chủ trương tổ chức đợt cao điểm tiêm vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm nhưng phải bảo đảm an toàn.

Trong thời gian sắp đến, lượng vắc-xin sẽ được Bộ Y tế đưa về thành phố tương đối lớn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là đẩy nhanh tiến độ tiêm, ít nhất mỗi người dân phải được tiêm một mũi, làm cơ sở để thành phố xác định đưa ra biện pháp phù hợp nhằm mở lại các hoạt động trong thời gian tới”.

Như vậy, cùng với việc xác định các vùng nguy cơ, tiếp tục xét nghiệm, sàng lọc để đưa các F0 ra khỏi cộng đồng điều trị, thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh và với việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin sẽ là giải pháp để Đà Nẵng sớm kiểm soát dịch bệnh và tiếp cận với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Chính vì lẽ đó, trong thời điểm này, không còn cách nào khác, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước thực hiện các biện pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh. Dẫu biết rằng với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách, đời sống của người dân sẽ tiếp tục khó khăn, kinh tế đình trệ, các nguồn lực công sẽ suy giảm trong ngắn hạn để ứng phó với đại dịch. Nhưng có lẽ đó cũng là điều khả dĩ nhất trong thời điểm hiện tại.

Qua những ngày tháng dịch bệnh, khó khăn cũng đã nhiều, vất vả gian nan chẳng thể nào kể xiết, nhưng để bình yên sẽ sớm quay trở lại, điều duy nhất đúng lúc này, đó là hãy cùng nhau chung sức, đồng lòng, chấp nhận những khó khăn, vất vả để rồi chúng ta sẽ từng bước đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường, thích ứng với bối cảnh phức tạp của dịch bệnh.

HOÀNG PHAN

;
;
.
.
.
.
.