25 năm trôi qua, kể từ ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (ngày 1-1-1997). Cột mốc 25 năm qua quả là dấu ấn đặc biệt. Đà Nẵng từ một thành phố loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, một thành phố “trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh”, đã vươn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia với tất cả thế mạnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhiều chỉ tiêu phát triển bền vững trong lợi thế so sánh quốc gia, trong đó một số chỉ tiêu đã vươn tầm khu vực và quốc tế.
Những con số phát triển tuy chưa phải là đáp ứng kỳ vọng nhưng rõ ràng đã chuyển hóa, kết tụ thành chất lượng của phát triển. Và từ cột mốc này, rõ ràng Đà Nẵng phải chuyển qua một sự bứt phá mới. Không phải là đứt đoạn mà là tiếp nối.
Từ bứt phá xây dựng hạ tầng với những công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật, công trình dân sinh đầy ấn tượng chuyển sang giai đoạn xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin, kỹ thuật số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rất rõ nhiệm vụ mà Đà Nẵng phải phấn đấu theo định hướng này.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, một “trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ”…, “là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”…
Và cao hơn, đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng phải “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Trong bối cảnh còn vô vàn khó khăn, thách thức, trước mắt là ảnh hưởng của Covid-19, quả thật đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, một thử thách lớn đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Nhưng với cách tiếp cận toàn cầu, với tầm nhìn tương lai, thì đây chính là cơ hội mở ra để Đà Nẵng thể hiện mình, xứng đáng với những chiến công hào hùng trong quá khứ và những gì đã đạt được trong 25 năm qua.
Chỉ tính trong thời gian từ 1997, nhất là bắt đầu từ những năm 2000, Đà Nẵng đã có những thành quả rất đáng ghi nhận. Đó là nhiều năm liền chúng ta đứng thứ nhì, sau đó là liên tục 3 năm đứng đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), liên tiếp 12 năm đứng đầu chỉ số về triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Gần đây, Đà Nẵng được trao giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam”…
Chỉ nêu vài con số như vậy để thấy sự sẵn sàng của chúng ta cho một cuộc bứt phá mới, bắt đầu từ thời điểm mùa Xuân 2022 này. Tiếc là thời gian gần đây, do sức cản phá của Covid-19 và một số nguyên nhân chủ quan, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chúng ta không đạt được như đã đề ra.
Cơ sở để chúng ta vững tin bước tiếp chặng đường mới không phải bây giờ mới đúc kết, mà từ trong quá trình phát triển của mình, chúng ta đã rút ra rất nhiều bài học quý giá. Trước hết, đó là bài học lòng dân, bài học của sự đồng thuận xã hội. Cô đúc lại, có thể nói vắn tắt là “Cái được lớn nhất, đó là được lòng dân” và đã tạo được sự đồng thuận xã hội, tất cả vì mục tiêu phát triển thành phố. Đây được coi là hành trang cho các thế hệ lãnh đạo thành phố, hôm nay và lâu dài về sau.
Có thể nói thêm, sự đồng thuận, đồng lòng không chỉ riêng trong cộng đồng người dân Đà Nẵng đang sống và làm việc trên mảnh đất này và những người con xa quê đang hướng về, mà còn là sự đồng thanh tương ứng, đồng lòng quan tâm, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của các bộ, ngành Trung ương đối với Đà Nẵng và sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn.
Trong mỗi bước đi của Đà Nẵng, Trung ương Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành cũng đã luôn quan tâm theo dõi, luôn có những nhìn nhận, đánh giá, động viên đối với những sáng kiến đột phá, táo bạo, đồng thời cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí những sai lầm phải trả giá - điều mà đảng bộ và nhân dân thành phố không mong muốn - để làm sao xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị hiện đại xứng tầm trong trục tăng trưởng khu vực duyên hải miền Trung.
Chuẩn bị cho chặng đường bứt phá mới sắp tới còn có sự chờ đợi và tin cậy vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, đội ngũ cán bộ chuyên môn các sở, ban, ngành thành phố. 25 năm qua, chúng ta đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để có được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Phần lớn những người của hôm nay, ngày ấy độ tuổi chỉ vừa khoảng 30. Tam thập nhi lập. Họ đã đủ độ chín để quan sát nhịp sống của thành phố cuộn chảy mạnh mẽ và hiểu mình phải làm gì cho thành phố phát triển. Trong số những người cán bộ trong bộ máy công quyền hôm nay, không ít người là thành quả của những quyết định khá sớm và táo bạo của thành phố khi dành ngân sách Nhà nước để cử đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài.
Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vấn đề tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống lại mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đặt lên hàng đầu, lấy lợi ích người dân làm mục tiêu phục vụ cao cả nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết gần gũi, lắng nghe ý kiến của quần chúng…
Đó là những đòi hỏi cần thiết để có được đội ngũ thật sự là “công bộc” của nhân dân thành phố.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất và năng lực luôn cần có chỗ dựa vững chắc, đó là các tầng lớp nhân dân thành phố. Trở lại với “bài học lòng dân” trong 25 năm vừa qua. Trong thời kỳ phát triển mới, khẩu hiệu “dân là gốc” vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc. Nhiệm vụ mới, bối cảnh mới cần có một thế hệ công dân mới, đồng thuận, hợp tác với chính quyền, vì những mục tiêu phát triển mới. Chúng ta đã có bao tấm gương của hàng vạn người dân chịu thiệt thòi phần nào trong giải tỏa đền bù để thành phố khang trang, văn minh, hiện đại như ngày nay.
Trong 25 năm tiếp theo, những công dân Đà Nẵng sẽ tiếp tục mang khát vọng vươn lên, đồng thời cũng sẽ là, phải là những “công dân thông minh”, “công dân số” trong đời sống của một “đô thị thông minh”. Những chương trình hành động mang tính nhân văn sâu sắc của thành phố, như “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” vẫn sẽ hiện diện trong đời sống xã hội những năm sắp tới với sự bổ sung những tiêu chí mới. Chính đó là những nét độc đáo, những sắc thái riêng có của Đà Nẵng để tiếp tục làm nên thương hiệu của mình trong chặng đường mới.
Còn nhớ, trong phát biểu nhân kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2017), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ, đã nêu một gợi ý với Đà Nẵng: “Thay vì sao chép lặp lại mô hình đô thị ở đâu đó, Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt…”.
Thiết nghĩ, đây không phải là một gợi ý thoáng qua, mà là tâm huyết của một người lãnh đạo cấp vĩ mô mong muốn Đà Nẵng tự tin, vững bước trên chặng đường đầy mới mẻ, đầy khó khăn, thử thách nhưng không phải là thành trì không thể vượt qua. Trước sự vẫy gọi của tương lai thành phố, mang khát vọng xây dựng một thành phố thực sự giàu mạnh, an bình, văn minh, hiện đại, Đà Nẵng vững tin bước tiếp chặng đường mới với một niềm tin có thực, bắt nguồn từ hôm nay.
NẠI HIÊN