Thời sự và bàn luận

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

06:33, 27/07/2022 (GMT+7)

Trong hai cuộc kháng chiến, hàng triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, hy sinh, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Để tưởng nhớ, ghi ơn những hy sinh, mất mát to lớn của bao lớp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong cả nước, Đảng, Nhà nước ta chọn ngày 27-7 hằng năm là dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ nhằm nhắc nhở con cháu, thế hệ trẻ hôm nay phải biết trân trọng, khắc cốt ghi tâm những gì cha ông ta đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, đồng thời biết trân trọng hòa bình, độc lập của đất nước.

Để ghi nhận sự cống hiến to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, Đảng, Nhà nước ta triển khai thực hiện nhiều chế độ, chính sách thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công nhằm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng, sửa chữa nhà; trợ cấp hằng tháng; miễn giảm tiền sử dụng đất… cho các đối tượng chính sách.

Trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công cách mạng ổn định cuộc sống, giúp họ có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg ngày 26-4-2013 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thành phố đã cụ thể hóa thành chính sách đặc thù tại Nghị quyết 132/2017/NQ-HÐND của HÐND thành phố, trong đó có quy định mức hỗ trợ sửa nhà và xây mới của Ðà Nẵng cao hơn so với quy định của Trung ương. Cụ thể, mức hỗ trợ xây mới cho gia đình chính sách theo Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Chính phủ là 40 triệu đồng/trường hợp, thì Đà Nẵng hỗ trợ 60 triệu đồng/trường hợp.

Nếu như giai đoạn 1997-2013, công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách với 8.755 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí huy động 63,8 tỷ đồng, thì sau khi thực hiện Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong 9 năm (từ 2014-2022) đã có 10.491 nhà được hỗ trợ sửa chữa và xây mới (sửa chữa 7.980 nhà, xây mới 2.511 nhà) với kinh phí đầu tư và vận động hơn 329 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với khi chưa có Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðây là điểm nhấn nổi bật cho thấy hiệu quả thiết thực của chính sách này. Ðặc biệt, trong số đối tượng được hỗ trợ thì riêng thân nhân của liệt sĩ được thụ hưởng hơn 4.000 hộ, chiếm 38,12%. Công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” không chỉ dành riêng cho người có công, mà còn là sự tri ân cho thân nhân của người có công với cách mạng.

Từ năm 2019, Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí để sửa nhà theo Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài nguồn ngân sách, thành phố huy động thêm nhiều nguồn lực bên ngoài xã hội, bảo đảm các nguồn lực hỗ trợ, sửa chữa nhà cho các gia đình người có công trên địa bàn thành phố được duy trình thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng thành phố còn tích cực hỗ trợ kinh phí, phương tiện sinh kế để gia đình người có công có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” còn thể hiện ở việc hằng năm thành phố ủng hộ nguồn kinh phí khá lớn để sửa chữa, xây dựng nhà mới, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình người có công ở các địa phương kết nghĩa anh em như: Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là những địa phương đã tích cực hỗ trợ Đà Nẵng rất lớn về nhân lực, vật lực. Và dù bận rộn bao công việc, song các lãnh đạo cao nhất của thành phố đích thân đến thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng để trao tặng những phần quà đầy ắp nghĩa tình, thể hiện sự tri ân với những đóng góp to lớn của thân nhân các liệt sĩ, sự mất mát của những thương binh trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ mảnh đất Đà Nẵng thân yêu.

Dẫu biết rằng, những mất mát, hy sinh xương máu của các gia đình người có công cách mạng cho nền độc lập dân tộc khó có gì bù đắp được, song sự quan tâm, sẻ chia kịp thời, thiết thực của Đảng, Nhà nước và thành phố không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, mà còn là nguồn động viên to lớn để thân nhân các liệt sĩ, thương binh có điều kiện ổn định vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

PHƯƠNG CHI

.