Hiện nay tình trạng các địa phương, nhất là các tổ chức cơ sở... thường đề ra các khoản thu, nhiều khi trái với tinh thần chỉ đạo chung. Mục đích của các khoản thu này thường diễn đạt bằng những lời có cánh, và nói chung được triển khai sau một cuộc họp nào đó. Tất cả đều bảo đảm nguyên tắc công khai, có bàn bạc và “thống nhất”.
Đành rằng ở địa phương, nhất là tại cơ sở việc bảo đảm cho các hoạt động của các chương trình, các loại quỹ... nhiều khi rất bức xúc, kinh phí thì hạn hẹp, nhưng yêu cầu công việc lại nhiều, rất nhiều. Cho nên mới có việc đề ra các khoản thu. Có khoản theo chủ trương chung, có khoản chỉ xuất phát từ cơ sở. Chỉ cần một “thư ngỏ”, chính quyền của một thôn cũng quy định cụ thể mức tiền thu của nhân dân trong thôn.
Các loại quỹ huy động đóng góp của dân, về nguyên tắc là phải bảo đảm tự nguyện, nhưng thực tế cũng nhiều khi ta không làm đúng tinh thần này. Mới đây, một quận của thành phố đã tổ chức ký “giao ước thi đua” giữa các phường trong quận để đóng góp cho quỹ Vì người nghèo. Chẳng có gì đáng bàn về một chủ trương rất cần được hoan nghênh như vậy, nhưng chuyện đáng suy ngẫm là địa phương đã giao chỉ tiêu theo định mức chi tiết cho từng phường, và dĩ nhiên phường rồi cũng phải giao cụ thể cho các tổ, và các tổ cũng sẽ giao cụ thể mức phải đóng góp cho từng người dân! Nguyên tắc tự nguyện đã thành bị tự nguyện. Một anh bạn nói với tôi: Nói chung ở địa phương ngại họp nhiều, vì cứ mỗi lần sau cuộc họp thường lại diễn ra điệp khúc kêu gọi đóng góp. Mà thường là không thể không đóng.
“Ăn đều, kêu sỏi” nên việc đóng góp nói chung không thể tùy tiện và bình quân theo kiểu giao chỉ tiêu định mức được. Điều này trái với tinh thần của Chính phủ, và gây bất bình của số người nghèo. Đối với các hộ khá giả, mươi ngàn không phải là chuyện lớn, nhưng với đa số dân nghèo việc phải lâu lâu bị tự nguyện đóng góp thì quả là điều không dễ. Thực tế, chỉ mươi ngàn thôi, nhưng là nỗi lo lớn của những nhà nghèo. Theo ước tính, số người nghèo đặc biệt của thành phố hiện có cả ngàn hộ.
Mở mắt mỗi ngày, trăm thứ nhu cầu, mà mỗi thứ đều là thiết yếu, nhưng nghiệt là giá cả cứ bình tĩnh gia tăng đều đặn: xăng khi quá bất hợp lý, xuống được 500 đồng/lít, chưa kịp mừng thì cứ vài tháng lại tăng lên cả ngàn đồng/lít, tiền điện thì phân ra “bậc thang” mà bán: 50 “chữ” đầu giá 600 đồng nhưng từ chữ thứ 51 trở lên có giá tới 865 đồng, và trong điều kiện thời tiết nóng nung cả đất trời như hiện nay thì làm sao mà dùng ở trong hạn ngạch 50 chữ được? Cho nên mức tối thiểu chung ở thành phố cũng phải trên dưới 100 đến 200 chữ, và nhà điện vì chỉ một mình bán cho nên lại ân cần quy định từ chữ thứ 151 đến chữ thứ 200 là 1.495 đồng! , mua hoặc không là tùy. Tự nguyện!
Nhìn chung, thời gian qua, các địa phương, tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của thành phố, nhờ vậy, trong nhiều trường hợp việc huy động đóng góp được dân đồng tình, đã giúp hoàn thành được nhiều mục tiêu có ý nghĩa, tác dụng tích cực, nhưng cũng có những khoản thu rất cần được tính toán và xem xét, trước hết là phải lưu ý đến điều kiện của cư dân thành phố và phải bảo đảm theo nguyên tắc thật sự tự nguyện.
NGHỊ VĂN
.
.
Bị tự nguyện
Thứ Sáu, 10/07/2009, 07:44 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.