Tháng trước, một lần nữa kho xăng chân đèo Hải Vân (thuộc quận Liên Chiểu) lại “cụ cựa”, lần này may mà các cơ quan chức năng kịp thời ứng cứu nên không có sự cố tràn dầu ra biển, hoặc hỏa hoạn xảy ra. Như vậy là kể từ năm ngoái, kho xăng này đã 3 lần có sự cố. Còn nhớ, mới năm rồi thành phố phải huy động một lực lượng lớn người và phương tiện, và phải sau hàng tuần mới kiểm soát cơ bản được sự cố tràn dầu trên biển.
Như lưỡi gươm lơ lửng trên đầu thành phố, không biết kho xăng này lúc nào lại bục ra lần nữa! Dĩ nhiên không ai muốn điều này xảy ra. Bởi vì, nếu nó có mệnh hệ nào thì hàng trăm tấn xăng sẽ băng qua cỏ cây chân đèo mà tràn xuống biển, khi đó vịnh Liên Chiểu với các bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thành phố như Xuân Thiều, Nam Ô... sẽ bị ô nhiễm nặng nề.
Không nói tới việc xảy ra nạn cháy, một khả năng rất dễ xảy ra, thì riêng việc khắc phục sự cố tràn dầu, xử lý ô nhiễm nước, môi trường sinh thái biển sẽ bị tàn phá và như vậy việc sống của hải sản cũng như nguồn lợi sống còn của cả ngàn ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với một hệ thống bồn chứa được xây dựng trong điều kiện dã chiến, dự trữ nhiên liệu phục vụ chiến tranh xâm lược của Mỹ trước đây, tồn tại gần 50 năm nay, cùng với điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, môi trường biển chà xát bên ngoài, và dung dịch xăng dầu bào mòn bên trong, việc nó không “bục” mới là chuyện lạ.
Chắc chắn cơ quan chủ quản phải có biện pháp thích hợp đề phòng ngừa rủi ro, và cũng chắc chắn các ngành chức năng, nhất là cơ quan quản lý sự cố tràn dầu cũng đã có phương án để bảo đảm an toàn, tuy nhiên xét về lâu dài cần có sự tính toán hợp lý, căn bản và nhất là bảo đảm an toàn lâu dài. Vị trí của những bồn xăng này, có thể thuận tiện cho việc bơm xăng, tiêu thụ cũng như độ dốc của nó cũng có thể là điều kiện tốt cho việc vận chuyển, cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết bị đã từ lâu vận hành ổn định... những điều đó cần được lưu ý đúng mức.
Nhưng ở khía cạnh khác, cũng cần thấy hệ thống kho xăng này ở ngay chân rừng, sát biển và điểm mấu chốt là tuổi thọ của hệ thống kho xăng này đã đến ngưỡng cuối, cho nên rất cần các cơ quan chủ quản, ngành chức năng và thành phố có phương án tính toán xử lý tối ưu.
Đối với người dân, nhất là cư dân gần đó, quan tâm lớn nhất là có cuộc sống ổn định và không bị đe dọa bởi thiên tai và nhân tai. Đối với thành phố, trong yêu cầu của mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, cũng phải dự lường các tình huống nhằm kiểm soát được khả năng xấu của kho xăng này. Người xưa từng dặn: Không biết lo xa ắt sẽ buồn gần.
NGHỊ VĂN
.
.
Chuyện lo gần
Thứ Tư, 08/07/2009, 09:10 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.