.

Hỗ trợ

Trong 6 tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp của thành phố đã vay trong khuôn khổ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ tổng số tiền hơn 7.500 tỷ đồng. Trong điều kiện suy giảm kinh tế, tình hình sản xuất và nhất là thị trường ngoài nước khó khăn trăm bề thì với số tiền nói trên, quả thật có ý nghĩa rất lớn. Có những doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ, có lao động nhưng thiếu nguyên liệu, hoặc các chi phí trực tiếp khác, tưởng chừng như phải dừng lại, buông xuôi nhìn cơ hội kinh doanh trôi qua, nhưng nhờ khoản tín dụng vay theo cơ chế bù lãi suất này mà vượt qua được thời điểm ngặt nghèo.

Trong sự phục hồi và GDP tăng hơn 5% trong quý 2 này, phần đóng góp quan trọng nhất là từ các doanh nghiệp. Chúng ta ghi nhận và biết ơn sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã vì thành phố, vì công ăn việc làm của hàng ngàn lao động và cũng chính vì sự thăng tiến của bản thân doanh nghiệp mà có sự cố gắng to lớn thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có vài điều cần được chia sẻ.

Trước hết, hiểu nguồn vay này là sự hỗ trợ cũng trong quan hệ tương đối, vì suy cho cùng giải ngân một khoản tín dụng nào đó, dù lớn đến mấy, dù phần hỗ trợ lãi suất bao nhiêu đi nữa, thì cũng chính vì sự hưng thịnh của đất nước, của chính nhân dân. Đối với thành phố, trong khi đánh giá cao khoản tiền lớn 7.500 tỷ đồng, cũng nên lưu ý là tổng số tiền mà Chính phủ đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là trên 372 nghìn tỷ, như vậy phần của thành phố chỉ chiếm khoảng 2%.
 
Dĩ nhiên, với hơn 10 nghìn doanh nghiệp so với hơn 300 nghìn doanh nhiệp của cả nước, thì khoản tín dụng trên không phải là ít. Thế nhưng xét vị thế và tương quan chung của các đô thị lớn thì quả thật có nhiều điều cần quan tâm. Có phải nhu cầu vốn của doanh nghiệp thành phố đã bão hòa? Chắc chắn không phải vậy. Có lẽ vấn đề là bản thân các doanh nghiệp. Việc bảo đảm các hồ sơ, thủ tục, năng lực dự án và tính khả thi... lâu nay vốn là điều khó khăn đối với mỗi doanh nghiệp.
 
Vì vậy, vai trò tư vấn, hỗ trợ của các hội nghề nghiệp liên quan như Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn, phải có kế hoạch khảo sát, đánh giá tương đối khoa học, theo một lộ trình bài bản, không thể theo kiểu “ai kêu thì được”. Việc tổ chức các hội thảo, các chuyến tham quan là cần thiết nhưng chắc là không phải điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này.

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tiếp tục duy trì hoạt động của tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắt trong quan hệ tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tổ công tác sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc UBND thành phố, các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn để nắm bắt, xử lý hoặc trình Thống đốc giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan trong quá trình vay vốn.

Dĩ nhiên, hai địa phương này có số doanh nghiệp nhiều nhất nước, hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước, nhưng qua cách xử lý như vậy mới thấy rằng thành phố mình cũng rất cần một bộ phận có chức năng và nhiệm vụ tương tự.
 
Dĩ nhiên, vai trò của các cơ quan chức năng, trước hết là ngành Kế hoạch, Tài chính và Chi nhánh NHNN là rất quan trọng trong việc đề xuất với thành phố để nguồn vốn của Chính phủ thực sự là nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính, năng lực dự án, phương án sản xuất kinh doanh... đã cũ như sách giáo khoa kinh tế, nhưng lúc này lại là những điều bức thiết nhất.

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.