.

“Rác trời”

Lâu nay, không chỉ trong mắt du khách gần xa, mà ngay cả trong con mắt quen nhìn của chúng ta, bất cứ chỗ nào từ những tuyến đường trung tâm thành phố đến những kiệt hẻm ngoằn ngoèo trong các khu dân cư, hình ảnh đủ thứ dây nhợ các loại từ dây viễn thông đến cáp truyền hình... được rải và treo không theo một quy hoạch nào, giăng ngang mắc dọc tự do khắp nơi trên không trung như những mạng nhện bu bám trên các cột điện dù cũ hay mới khiến bộ mặt đô thị Đà Nẵng khó nhìn.

Tưởng đâu tình trạng này chỉ có ở những khu vực trung tâm thành phố, nhưng gần đây cùng với sự phát triển đô thị, các quận-huyện vùng ven cũng đã phải chịu cảnh “tơ trời” giăng giăng. Những bó dây lằng nhằng mỗi góc phố, trước nhà dân nằm xen lẫn với đường dây điện trung thế, hạ thế, nhiều bó dây oằn xuống với độ võng lớn. Thi thoảng lại có những sợi dây bị đứt rớt lòng thòng xuống đường hoặc là là nằm vắt ngang qua đường giao thông rất nguy hiểm, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa không bảo đảm an toàn cho người và xe lưu thông trên đường cũng như cư dân trong khu vực.

Thực tế thời gian qua, chuyện treo dây trên trời gần như “tự do”. Việc nhiều tuyến dây của các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp tầm gửi vào cột của ngành điện cũng gây khó khăn trong quản lý, khi có sự cố xảy ra, bên này lại đổ lỗi cho bên kia. Tại sao các doanh nghiệp không ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp chung hữu hiệu, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa tiện cho việc quản lý đường dây của mình.

Có thể khẳng định, tác hại từ việc quy hoạch dây dẫn theo kiểu tập trung chung cột, chung đường, khi vào mùa mưa bão dễ gây ra đổ cột, đứt dây là điều khó tránh khỏi, có thể trở thành nguy cơ gây tai nạn bất cứ lúc nào. Mặt khác còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây xanh đường phố. Mặc dù việc này nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng cảnh báo, nhưng cũng vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thiết nghĩ, trong tương lai gần, việc bố trí dây mạng cần được quy hoạch cụ thể. Lý tưởng là phải hạ ngầm toàn bộ hệ thống dây nhợ dọc ngang trên bầu trời thành phố, và cần phải thực hiện một cách đồng bộ và có sự thống nhất cao của các bên liên quan, tránh tình trạng bên này vừa lấp xuống, bên khác lại đào lên, vừa gây tốn kém vừa ảnh hưởng đến giao thông và vệ sinh môi trường.

Để Đà Nẵng ngày càng có nhiều con đường đẹp, thoáng đãng như Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bạch Đằng… Việc ngầm hóa hệ thống các loại dây dẫn không những nâng cao tính mỹ quan cho đô thị, bảo đảm an toàn cấp điện, thông tin liên lạc, để cho diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang và hiện đại.

Nghị Văn

;
.
.
.
.
.