.

Sự viết cái tên

Cùng với kinh tế thị trường phát triển, đời sống khấm khá hẳn lên, ăn và nói cũng khác trước nhiều. Nhưng trong cái bộn bề tất bật hằng ngày ấy, bỗng nhiên giật mình khi chợt nhận ra mình đang nhiễm cái thói thích chữ ngoại lúc nào không hay. Âu cũng là tâm lý chung, các nước Tây phương văn minh hiện đại nên mình buộc phải cuốn vào cũng không phải là chuyện quá đáng để phê phán. Nhưng cái gì cũng có cái mức hợp lý của nó.

Có những hội trường, do tính chất của cơ quan, chắc là từ ngày thành lập cả chục năm nay, không có một bóng ông Tây nào lai nhập, thế mà hai bên cánh gà vẫn “no smoking” trông ngứa cả mắt. Còn ngoài đường thì thôi vô số kể. Tên các bảng hiệu giờ đây đương thi nhau Anh hóa. Hình như không thể không viết tiếng Anh, và chỉ phải bằng tiếng Anh thì mới oách chăng? Thử đếm tất cả tên các khách sạn, quán cà-phê... lớn nhỏ ở cái thành phố chưa đến triệu dân này, và nhẩm tính số lượng các tên nước ngoài mà thấy giật mình. Nào là những Jimy, Wonder, Davie, Kings, Goldensea, New Life, Jet Stars, Green Plazza... Chao ôi, tiếng Việt mình nghèo đến như thế rồi chăng?

Hãy tin tôi đi, bạn thử gọi điện thoại đến bất cứ lễ tân một khách sạn nào đó, từ Nam chí Bắc, câu đầu tiên mà họ trả lời bạn là một thứ tiếng Anh chuẩn đến ngọt ngào... “I’m... Can I help you?”, sau đó khi biết bạn là người Việt Nam mình, thì họ mới quay lại nói bằng tiếng Việt. Tôi đã khó chịu và đã đem chuyện này nói với một người có trách nhiệm của ngành du lịch, người ấy trả lời là do ngành khách sạn có quan hệ, giao dịch với Tây nhiều nên lễ tân thường nói tiếng Anh cho đúng thông lệ.
 
Tôi không tin lắm cái giải thích “cho đúng thông lệ” này. Tôi đã đến Pháp, đến Nhật, đến Tây Ban Nha, và cả nước Trung Hoa bao la kia, những nơi mà có lẽ ngành du lịch họ phát triển mạnh hơn ta nhiều, nhung tôi chưa hề thấy nơi nào có cái chuyện lễ tân họ nói tiếng Anh trước khi nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Tôi cổ hủ và lạc hậu rồi chăng?

Trước đây, có dạo Chính phủ quy định thật chặt chẽ. Tuy có vài trường hợp có phần cực đoan: cấm tiệt tên nước ngoài nếu không phiên ra tiếng Việt. Tôi nhớ mãi việc người ta phải lấy giấy dán lại để che cái tên “Triump” và chỉ còn để lại phần “thời trang và hơn thế nữa!”, lý do là vì chữ Triump không phiên âm ra tiếng Việt (Tri-um) .

Dĩ nhiên phiên như vậy thì còn chi là Triump nữa. Nhưng nói chung, những quy định ấy là rất cần thiết. Ở nước nào cũng vậy, tên bảng hiệu phải viết bằng tiếng bản địa trước, dưới đó có thể viết thêm tiếng nước ngoài (thường là tiếng Anh), nhưng dứt khoát tên nước ngoài phải nhỏ hơn tên tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt của mình rất hay, giàu âm điệu, gợi cảm và thật dễ nhớ.

Tôi thèm biết bao những cái tên rất Việt. Ở Việt Nam hình như quy định này cũng là bắt buộc, chỉ có điều, nó cũng giống như nhiều chuyện khác, khi hữu thì bảo hoàng hơn cả vua, còn tả thì đẩy lên tận cả trời! Và cái chính là không ai chịu trách nhiệm về cái chuyện văn hóa, văn minh và lòng tự trọng dân tộc như cái chuyện sính tiếng nước ngoài này. Không tôn trọng chính đất nước mình, dân tộc mình thì làm sao người ngoài tôn trọng ta được. Chao ôi, hai tiếng tự trọng cũng khó làm sao!

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.