Sữa và thuốc chữa bệnh là hai thứ đại thiết yếu của con người. Khi khỏe mạnh thường người ta ít quan tâm tới việc mua thuốc và vì vậy giá thuốc cao, thấp cũng không mấy quan trọng, nhưng khi ngã bệnh, hoặc chẳng may bị tai nạn thì việc mua thuốc và sữa uống là điều sống chết. Nói chung ai cũng cần sữa và thuốc, nhưng trẻ em và người càng có tuổi thì nhu cầu hai thứ này càng trở nên cấp thiết hơn.
Do nhiều lẽ, trong đó có yếu tố tâm lý, nên nhiều khi giá của hai mặt hàng đó không được phân tích và kiểm soát hợp lý. Cũng một loại thuốc như nhau, nhưng mỗi nơi bán giá mỗi khác. Thôi thì qua sông nên phải lụy đò. Tâm lý người nhà khi cầm cái “toa” chạy mua thuốc, có thuốc là quý lắm rồi. Giá cả là thứ yếu và nếu muốn biết cũng không thể. Làm sao mà mặc cả, kiểm tra chất lượng với những người bình thường được.
Sữa thì có rõ ràng hơn. Vừa qua, một cuộc hội thảo của Bộ Công thương tổ chức, thông tin đưa ra làm người tiêu dùng không khỏi đắng họng. Nói chung, giá sữa bột nhập khẩu của Việt Nam vào loại cao nhất. Có hai đại bất hợp lý: 1) Chênh lệch giữa giá nhập khẩu và bán lẻ quá cao, ví dụ sữa Enfa Grow A+ của Công ty Mead Johnson (loại 900g) chênh lệch giữa giá nhập với giá bán lẻ tới 242%, sữa Dugro Gold của Công ty Dumex (loại 800g) chênh lệch tới 285%, sữa Ensure của Công ty Abbott (loại 400g) chênh lệch 246%, ít nhất như loại Milex (loại 400g) cũng lên tới 30%, như vậy lợi nhuận mà nhà nhập khẩu hưởng không thể nói là bình thường. 2)
Giá sữa của Việt Nam cao hơn cùng loại của các nước gần ta, ví dụ so với Thái Lan thì giá các mặt hàng sữa bột nguyên hộp ở Việt Nam cao hơn từ 20-60%, có trường hợp cao hơn 100%, trong khi thuế suất nhập khẩu của Việt Nam không quá 10% thấp thua nhiều thuế suất của Thái Lan. Vấn đề không phải chỉ mô tả tình hình giá cả bất hợp lý, mà chính là vì sao tình hình bất hợp lý như trên vẫn tồn tại kéo dài?
Ai cũng biết sữa là thứ tối cần thiết, nhất là trong những trường hợp phải nuôi con thay sữa mẹ, hoặc khi ốm đau, nhưng xem chừng như cơ quan chức năng quản lý về giá không theo kịp tình hình, đó là không muốn nói đến khả năng có sự “bắt tay” giữa các đại gia và người quản lý. Lâu nay người ta nói nhiều đến sự yếu kém của công tác dự báo thị trường, nhất là việc phân tích các biến động của giá cả, điều đó ai cũng rõ.
Tuy nhiên, có một bất cập nữa cũng cần lưu ý là ta thiếu một cơ quan nghiên cứu, cập nhật và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Mặt khác, về phía người tiêu dùng cũng đang tồn tại hai tâm lý rất hại cho việc bảo đảm quyền lợi của chính mình, mà về lâu dài cũng tác động xấu đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Đó là tâm lý chuộng hàng ngoại, dĩ nhiên ai chọn mua một mặt hàng nào đó, yêu cầu trước tiên là chất lượng. Trong trường hợp sữa bột, nhiều mặt hàng sữa nội chất lượng ngang ngửa sữa ngoại, giá thấp thua, nhưng ta lại không mua. Còn một khía cạnh khác là người mình thường hay ngại lên tiếng về chất lượng và giá cả, không có thói quen tự đặt câu hỏi vì sao chất lượng, giá cả của mặt hàng này lại như vậy. Khuynh hướng tự đồng ý với giá và chất lượng mặt hàng đã mua làm cho người tiêu dùng không muốn “tốn thì giờ”.
Cả nước gần 90 triệu dân nhưng mỗi năm chỉ có 1.500 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, và thành phố Đà Nẵng gần 900 ngàn dân, nhưng mỗi năm bình quân có 12 vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa, giá cả thì quả thật khiêm tốn. Tư bản ăn lời chứ không ăn gian, trường hợp vừa ăn lời vừa ăn gian nữa thì ngoài cơ quan quản lý, người tiêu dùng cũng cần phải biết tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
NGHỊ VĂN
.
.
Vì sao?
Thứ Tư, 15/07/2009, 08:58 [GMT+7]
.
;
.
.
.
.
.