Những điều nghe thấy
Mở cửa chứ không buông lỏng
Thời gian qua, khá nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế “Tây” cầm lái xảy ra tại Đà Nẵng khiến dư luận hết sức lo lắng.
Mới đây, vào tháng 2-2014, hai nữ thuyền viên người Trung Quốc làm việc trên tàu du lịch Henna là Zhang Gen Di và Wu Cong lên bờ tự thuê xe máy của dân để đi chơi, rồi tự tông vào dải phân cách đường Yết Kiêu. Vụ tai nạn đã làm chính thuyền viên Zhang Gen Di bị gãy 2 chân và thủng bụng, thuyền viên Wu Cong gãy chân và xương đòn, phải đưa vào điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
Trước đó không lâu, thủy thủ Moore Chrisopher (SN 1995, quốc tịch Anh) của tàu Daring (thuộc Hải quân Hoàng gia Anh) ghé thăm Đà Nẵng đã cùng hai thuyền viên khác tự thuê xe máy đi chơi cũng bị ngã rách mặt và tay, phải điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ...
Dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo Sở Ngoại vụ, thời gian qua trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến công dân một số nước như: Lào, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… Gần đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng đã có công văn gửi UBND thành phố phản ánh tình trạng thuyền viên, hành khách nước ngoài tự thuê xe máy tham gia giao thông, phần lớn không có giấy phép lái xe, không quen với giao thông Việt Nam; mặt khác luật giao thông đường bộ ở mỗi nước đều có sự khác biệt, nên dễ gây tai nạn.
Biết rằng, trong quá trình tham gia giao thông sẽ không thể tránh những rủi ro ngoài ý muốn. Hơn nữa, việc người nước ngoài hầu hết đều không thông thuộc đường sá, Luật Giao thông đường bộ Việt Nam, điều khiển xe chưa quen nên dễ gây tai nạn là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, không thể để đến khi vụ việc xảy ra với mức độ ngày càng nhiều rồi mới tính đến các biện pháp quản lý. Mở cửa không có nghĩa là buông lỏng. Bất cứ người nước nào đã sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định và luật pháp của nước sở tại. Việc kiểm soát và quản lý các hoạt động của thuyền viên, hành khách nước ngoài tại khu vực cảng Đà Nẵng phải được làm ngay và chặt chẽ. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh cùng các quy định khác liên quan khi thuyền viên, hành khách đi vào nội địa để họ hiểu và chấp hành cũng phải được triển khai mạnh hơn nữa.
Một thực tế là, tâm lý của nhiều CSGT hiện nay vẫn ngại xử lý vi phạm đối với người nước ngoài, do bất đồng ngôn ngữ hoặc do khó khăn trong việc xác minh thông tin. Bởi vậy, điều này vô tình tạo độ “mở” không cần thiết với lái xe “Tây” khiến nguy cơ gây tai nạn của họ nhiều hơn do những sai phạm nhỏ. Hơn nữa, nhiều người trong số họ chưa có bằng lái hợp lệ… Bởi vậy, khi có các vấn đề xảy ra thì thiệt thòi thuộc về họ do các công ty bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm. Nên chăng, các cơ quan chuyên môn có thể mở lớp đào tạo, bổ túc tay lái cho những người nước ngoài muốn có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, cũng cần giảm bớt các điều kiện, quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho những khách Tây có thể thi lấy giấy phép lái xe.
Ngoài ra, với những tài xế “Tây” không chấp hành tốt, thiếu ý thức khi tham gia giao thông cũng cần có những chế tài nghiêm, nếu vi phạm nhiều lần có thể bị trục xuất. Có như vậy mới góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một cách thấp nhất, tạo điều kiện để người nước ngoài tham gia giao thông một cách hợp lệ ở Việt Nam và thuận lợi hơn cho công tác quản lý.
P.V