Những điều nghe thấy
Chát chúa tiếng ồn quảng cáo
Khi lưu thông trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ…, nhiều người đi đường không khỏi giật mình khi nghe tiếng nhạc xập xình, tiếng quảng cáo chát chúa phát ra từ những cửa hàng bán điện thoại, đồ điện tử. Oái oăm hơn, nhiều cửa hàng còn ở ngay ngã tư, khiến những người dừng đèn đỏ phải chịu đựng màn tra tấn âm thanh bất đắc dĩ.
Buổi tối cuối tháng 11 vừa qua, một cửa hàng điện thoại ở đường Trưng Nữ Vương tổ chức sự kiện “bốc thăm trúng thưởng” trên vỉa hè.
Dàn loa hướng ra mặt đường được huy động chạy hết công suất, khiến những người dân sống phía đối diện chỉ biết ngao ngán lắc đầu. Những dàn loa này vốn là nỗi ám ảnh không chỉ của bà con sống trong khu vực lân cận, mà cả những người đi đường.
Một người dân bức xúc cho biết, mỗi khi anh chở cô con gái 3 tuổi đi ngang qua cửa hàng Thế giới di động trên đường Nguyễn Tri Phương (gần bùng binh vào cổng sân bay), hai bố con đều giật nảy mình vì tiếng nhạc âm lượng “khủng”.
Từ 2-3 năm nay, tình trạng này đã được người dân liên tục phản ánh lên “đường dây nóng” của thành phố. Chỉ trên địa bàn quận Thanh Khê, kể từ đầu năm 2015 đến nay, đội liên ngành kiểm tra văn hóa và tệ nạn xã hội 178 (đội 178) đã tiến hành lập biên bản vi phạm về tiếng ồn đối với 13 địa điểm kinh doanh.
Cuối tháng 11 vừa qua, đội 178 phát hiện một cửa hàng “Hát cho nhau nghe” trên đường Điện Biên Phủ mở loa với cường độ 83dB, vượt quá mức độ cho phép (70dB trong thời gian 6-21 giờ và 55dB trong thời gian 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).
Trước đó, đội cũng đã đề xuất xử phạt hành chính đối với quán nhậu T.V (đường Điện Biên Phủ), cửa hàng Đ.M.X (đường Nguyễn Văn Linh) và cảnh cáo, nhắc nhở một số nhà hàng, quán cà-phê, cửa hàng điện thoại di động khác trên địa bàn quận do vi phạm tiếng ồn.
Tuy vậy, vẫn chưa thể có được một ngày rảo quanh thành phố mà không bị tra tấn bởi tiếng nhạc đinh tai nhức óc phát ra từ hàng quán dọc đường. Phải chăng, vì nhiều lý do, các cơ quan chức năng chỉ xử lý theo từng đợt nên không thể triệt để? Một lãnh đạo ở quận Liên Chiểu phân trần, để xử lý vi phạm ô nhiễm âm thanh, cần có số đo cường độ âm thanh làm căn cứ.
Hiện tại, chỉ có Trung tâm Kỹ thuật môi trường Đà Nẵng (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) có tư cách pháp nhân để đo. Các đơn vị chức năng thuộc quận muốn đo, hoặc phải làm thủ tục mượn máy của Trung tâm, hoặc phải tự trang bị máy đo được kiểm định. Làm theo cách thứ nhất thì mất thời gian, còn theo cách thứ hai thì không phải quận nào cũng có thể làm được.
Năm 2015 được thành phố chọn làm “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, cũng đã đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố an bình, trong đó có tiêu chí phấn đấu giữ gìn môi trường không ô nhiễm, bảo đảm cuộc sống yên bình cho người dân.
Vậy nhưng, có lẽ thành phố vẫn khó có thể được coi là văn minh, an bình nếu những giờ giấc nghỉ ngơi chính đáng của chính người dân cư trú vẫn còn bị phá hỏng bởi tiếng ồn chát chúa phi lý.
Theo bác sĩ Trần Thiện Thanh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, với tiếng ồn trên 65dB, tai con người rất dễ bị tổn thương.
Vì tai là bộ phận điều chỉnh sự cân bằng cơ thể, nên tổn thương tai có thể dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng, rối loạn tuần hoàn não. Bên cạnh đó, một âm thanh dù nhỏ hay lớn, nếu lặp đi lặp lại vẫn có thể tạo cảm giác căng thẳng, mất tập trung cho con người.
Có lẽ, để giải quyết vấn đề “ô nhiễm âm thanh” này, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý, xử lý phải nghiêm và kịp thời. Tuy vậy, để triệt được tận gốc vấn đề, bản thân người dân cũng như chủ doanh nghiệp cần có ý thức bảo vệ môi trường sống của chính mình và cộng đồng.
Cái lợi trước mắt có thể là tạo sự chú ý cho cửa hàng, nhưng dùng nó để đánh đổi cái lợi sức khỏe tinh thần lâu dài thì chưa bao giờ là một lựa chọn đúng!
KHANG NINH