Sự xuất hiện của hàng loạt các nhà hàng, quán nhậu nằm ven đường Nguyễn Tất Thành là nguyên nhân chính làm cho bãi biển ở khu vực này đang trở nên ô nhiễm trầm trọng. Nước thải của các nhà hàng, quán nhậu chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài rồi đổ thẳng ra biển. Bà Hải, một người dân sống ở đường Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình (Hải Châu) cho biết: “Sau khi đường Nguyễn Tất Thành được đưa vào sử dụng, các hộ dân sống dọc theo con đường này đều hy vọng biển sẽ xanh và sạch hơn.
Nhiều bãi biển đang bị đe dọa ô nhiễm vì nguồn nước thải chưa qua xử lý đổ ra. |
Thế nhưng sự xuất hiện của các nhà hàng, quán nhậu đã làm cho bãi biển nơi đây trở nên ô nhiễm. Khu vực ô nhiễm nhất phải kể đến đoạn biển gần cầu Phú Lộc vì nguồn nước ở cửa xả đổ ra biển ở khu vực này luôn đen kịt, rêu nổi váng, sủi bọt và nặng mùi hôi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến nguồn nước ở khu vực cửa xả tại cầu Phú Lộc luôn đen ngòm và hôi thối một phần còn do khu vực này phải chịu một lượng nước thải sinh hoạt khổng lồ chưa qua xử lý thải ra từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ… trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu.
Bãi biển Nam Ô từ tổ 28 đến tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) tuy không có các nhà hàng, quán nhậu nằm sát ven biển, thế nhưng người dân sống gần khu vực này vẫn phải hứng chịu mùi hôi thối từ biển bốc lên. Theo phản ánh của các hộ dân, nguyên nhân khiến bãi biển ô nhiễm là do ý thức của một số hộ nuôi heo đổ phân heo ra biển làm bãi biển bốc mùi hôi thối. “Thành phố đã hỗ trợ và các hộ dân nuôi heo cũng ký cam kết với chính quyền địa phương không nuôi heo để bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Bên cạnh đó, địa phương đã tuyên truyền đến từng hộ dân về việc bảo vệ môi trường biển, đồng thời cử người trực ngăn cấm việc đổ phân heo ra biển, thế nhưng hằng ngày vẫn có một số hộ dân lén lút ra biển đổ phân heo”, bác Tuấn - một người dân sống gần bãi biển Nam Ô bức xúc. Còn anh Sau, sống gần đó nói: “Về mùa mưa bão, sóng biển lớn nên phân heo dạt đi nơi khác hết, chứ vào mùa nắng, dân ở đây đâu dám tắm biển vì sợ giẫm phải phân heo. Chỉ mong sao người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thì biển Đà Nẵng đẹp biết mấy!”.
Sự xuất hiện của nhà hàng, các khu du lịch ven biển đáp ứng được nhu cầu của du khách và người dân, tuy nhiên, nếu các ngành chức năng không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng xả nước thải thì điều này lại có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của thành phố. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn nằm ở ven biển Đà Nẵng, phần lớn việc xử lý nguồn nước thải bằng bể tự hoại 3 ngăn, hằng ngày thải trực tiếp hàng trăm khối nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn ra biển. Còn các nhà hàng, quán nhậu nhỏ phần lớn đều xả nước thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của thành phố rồi đổ trực tiếp ra biển.
Trong thời gian qua, mặc dù chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ cho cảnh quan môi trường biển được xanh, sạch, đẹp... thế nhưng hiện nhiều bãi biển vẫn bị ô nhiễm. Để xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường, thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường của các sơ sở kinh doanh du lịch, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về môi trường.
Bài và ảnh: Trọng Hùng