.

Nhiều doanh nghiệp quỵt tiền xử lý nước thải?

.

“Hết năm 2010, chúng tôi buộc phải ngừng việc xử lý nước thải đối với những doanh nghiệp (DN) không chịu trả tiền, và những DN đã thực hiện đấu nối vào Trạm xử lý nhưng không thực hiện việc ký hợp đồng với đơn vị” - đây là khẳng định của lãnh đạo Chi nhánh Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội tại miền Trung (URENCO) -  đơn vị quản lý và vận hành Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh.

Mô tả ảnh.
Sau khi URENCO tiếp nhận và quản lý Trạm XLNT tại KCN Hòa Khánh, nguồn nước đầu ra được xử lý đạt tiêu chuẩn.

Tăng tỷ lệ đấu nối...

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường ở KCN Hòa Khánh trong thời gian qua chủ yếu là do nguồn nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại của các nhà máy, xí nghiệp… chưa được xử lý “tuồn” ra bên ngoài môi trường.  Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2009, UBND thành phố đã giao cho URENCO lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải (XLNT) KCN Hòa Khánh, bảo đảm nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo quy định, đầu tư xây dựng Trạm XLNT tại KCN Hòa Khánh mở rộng; đồng thời yêu cầu các DN thực hiện việc đấu nối hệ thống XLNT đến Trạm XLNT tập trung để bảo đảm về mặt môi trường.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Sau khi URENCO tiếp nhận và quản lý Trạm XLNT tại KCN Hòa Khánh, việc đầu tư, nâng cấp trạm đã được URENCO thực hiện khá tốt. Qua kiểm tra và lấy mẫu nước tại điểm cuối đều đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, việc kêu gọi và đề nghị các DN thực hiện việc ký hợp đồng với URENCO để xử lý nước thải tương đối khó khăn. Lý do được không ít DN đưa ra là do họ cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT riêng biệt.

Tuy nhiên, qua nhiều lần tiến hành kiểm tra hệ thống XLNT do các DN tự xây dựng, nguồn nước mà các DN tự xử lý đều không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, Sở đã đề nghị với thành phố rút giấy phép hoạt động đối với những DN không thực hiện việc đấu nối hệ thống XLNT đến Trạm XLNT do URENCO quản lý. Đến thời điểm này, các DN thực hiện việc đấu nối vào Trạm XLNT tập trung đã có những chuyển biến tích cực. “Nếu trong năm 2009 mới có 27 DN thực hiện đấu nối thì đến hết tháng 10-2010 đã có 72 DN đủ điều kiện đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung, hiện đã có 61 DN đấu nối và 11 DN còn lại đang triển khai thi công đấu nối”, ông Nguyễn Điểu cho biết thêm.

Mô tả ảnh.
Tiến hành nạo vét hệ thống thoát nước tại KCN Hòa Khánh.

... URENCO càng lỗ?

Theo Chi nhánh URENCO tại miền Trung, nguồn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp… hoạt động trong KCN Hòa Khánh thải ra bên ngoài khoảng 4.000m3 nước thải/ngày đêm, nhưng hiện chỉ có khoảng 2.500m3 được thu gom về Trạm XLNT tập trung. Vậy lượng nước thải còn lại được “tuồn” đi đâu? Về câu hỏi này, một DN thực hiện tốt việc xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh khẳng định: “Chắc chắn lượng nước thải không đến trạm sẽ được xả thẳng ra bên ngoài môi trường. Bởi nếu không thải ra môi trường thì đời nào có chuyện ở những vùng lân cận gần KCN Hòa Khánh phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm về nguồn nước trong thời gian qua”.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Lê Quảng, Phó Giám đốc Chi nhánh URENCO tại miền Trung cũng cho rằng: Sau khi URENCO tiếp nhận quản lý Trạm XLNT KCN Hòa Khánh, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư nâng cấp Trạm XLNT bài bản. Hiện công suất và năng lực xử lý của trạm đạt 5.000m3/ngày đêm và hoạt động tương đối ổn định. Sở dĩ nguồn nước đến trạm còn thấp là do tỷ lệ đấu nối hệ thống XLNT của các DN chưa đạt 100%. “Lúc trước, ban lãnh đạo công ty đã đến từng nhà máy, xí nghiệp có nguồn nước thải lớn để vận động và đề nghị thực hiện việc ký hợp đồng XLNT để bảo đảm môi trường, tuy nhiên nhiều DN đã “né”. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đặc biệt là Sở TN-MT trong việc yêu cầu các DN thực hiện đấu nối, nên hiện đã có nhiều DN thực hiện”, ông Quảng nói.

Theo lãnh đạo của Công ty URENCO, tỷ lệ đấu nối hệ thống XLNT của các DN trong KCN Hòa Khánh ngày càng tăng thì việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại KCN này sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, URENCO đang phải bù lỗ vì sau hơn 1 năm tiếp nhận quản lý và vận hành Trạm xử lý, URENCO đã bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng cho việc xử lý hơn 1 triệu khối nước thải của các DN ký hợp đồng với đơn vị. Trong khi đó, giá trị hợp đồng ký kết với các DN mới đạt khoảng 3 tỷ đồng. Hiện trong tổng số 61 đơn vị thực hiện đấu nối mới có 46 DN ký hợp đồng, 15 DN chưa chịu ký hợp đồng, nên URENCO đang XLNT “không công” cho những DN này. Điều đáng nói là, trong tổng số 46 đơn vị ký hợp đồng, mới có 5 đơn vị trả tiền cho URENCO (khoảng 1 tỷ đồng), những DN còn lại mặc dù đã có quyết toán nhưng vẫn không chịu trả. “Nếu hết năm 2010, những DN đã đấu nối vào hệ thống XLNT không thực hiện việc ký hợp đồng, đơn vị sẽ ngừng XLNT của DN đó. Ngoài ra, đối với DN nợ tiền kéo dài, chúng tôi cũng cắt hợp đồng xử lý nước thải”, một lãnh đạo của URENCO khẳng định.

Nếu ngừng XLNT đối với những DN không ký hợp đồng, những DN nợ tiền kéo dài đối với URENCO, không biết lúc đó lượng nước thải của các DN sẽ được xử lý như thế nào, hay lại tiếp tục điệp khúc xả thẳng ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm. Đã đến lúc các ngành chức năng của thành phố cần phải can thiệp.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.