Mấy ai hiểu tác hại của bao ni-lon đối với sức khỏe và môi trường để cất công tìm vật liệu thay thế? Mấy ai chịu thay đổi thói quen để giảm thiểu lượng bao ni-lon và các sản phẩm plastic mỗi ngày? Một nhóm thanh niên hoạt động về môi trường ở Đà Nẵng mang tên Stupid Team đã cùng hợp sức chống lại bao ni-lon.
Gấp túi giấy để dùng thay thế bao ni-lon. |
Hằng ngày, Trần Thị Hà My (sinh viên lớp 06MT - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) ra chợ với một hộp nhựa và một túi ni-lon trên tay. Cả hai được My dùng đi dùng lại cho những mục đích khác nhau: Hộp đựng thịt hoặc cá, còn túi để chứa tất tần tật các loại đồ khô như gia vị, cá khô, hành tỏi…, mà không phải lấy thêm bất kỳ túi ni-lon nào từ người bán hàng. Đã quen tay với việc trút thức ăn vào nhiều bao, gần như không người bán hàng nào chịu bỏ đồ vào một hộp, một bao như My yêu cầu.
My phải “kì kèo” mãi: “Cô cứ bỏ vô đây, con có cách của con!”. Cũng bằng cách tương tự, mỗi người trong Stupid Team đã giảm tới phân nửa số ni-lon sử dụng mỗi ngày. “Nếu để ý sẽ thấy: Người ta dùng bao ni-lon một cách vô thức và vô lý. Chẳng hạn, chai dầu, chai mắm đều có bao bì, người ta vẫn cần bao ni-lon để xách toòng teng. Rau với rau, cá với cá, thịt với thịt…, có thể bỏ chung được, người ta vẫn mất công lấy thêm bao. Lượng ni-lon mỗi ngày một tăng khủng khiếp chỉ là do thói quen của người tiêu dùng”, Lê Thị Trang, một thành viên của nhóm nhận xét.
Từ mấy tháng nay, cả nhóm đều ghi chép lại “Nhật ký sử dụng plastic” theo tuần. Cứ mỗi lần tìm được sản phẩm thay thế hoặc tránh tối đa sử dụng bao ni-lon và các sản phẩm plastic, mỗi người được cộng điểm vào tờ nhật ký. Sau vài lần tự mình ghi lại thói quen dùng bao ni-lon vô tội vạ, ai cũng thấy ám ảnh. Làm sao để giảm thiểu lượng plastic xuống mức thấp nhất là mục tiêu họ nhắm tới. Có người cất công tìm cho ra loại mì ăn liền bao giấy. Không dùng đồ nhựa, họ mua đồ bằng thiếc, i-nox. Có người không chịu uống nước đóng chai, ăn snack hoặc dùng ly, muỗng nhựa khi ngồi quán cà-phê.
Người thì mua những bịch sữa to rồi chiết ra ly để uống dần thay vì mang theo những hộp sữa nhỏ, để hạn chế lượng bao bì lẫn số ống hút nhựa, v.v… “Cực đoan” đến nỗi, tham gia một diễn đàn về môi trường được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9, cả nhóm từ chối ăn uống các loại bánh, nước được đóng gói sẵn trong bao ni-lon và chai nhựa. “Lần đó, cả nhóm được cả hội nghị biết tới và chia sẻ kinh nghiệm để những tổ chức môi trường khác cùng thực hiện”, thành viên Nguyễn Thành Long cho biết. Vậy là từ đó, Stupid Team với những hành động “lập dị” không còn cô độc giữa những biển người.
Gấp túi giấy thay bao ni-lon
Lúc nào cũng luôn miệng “ít sử dụng bao ni-lon”, ban đầu Stupid Team làm những người xung quanh thấy khó chịu, nhưng sau nghe nói “mỗi màu bao đại diện cho mỗi loại chất thải độc hại có thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài để đựng thức ăn, nhất là đồ nóng”, những người trong gia đình, bạn cùng phòng trọ, bạn học lớp… cũng ớn ớn và bắt đầu làm theo. “Nhiều người chia sẻ với nhóm, có khi một hoặc nhiều ngày, họ chịu “nhịn” dùng bao ni-lon mà vẫn thấy không sao”, Long nói.
Hiện Hà My cùng nhiều sinh viên khác đã gấp xong 500 bao giấy với nhiều kích thước khác nhau. Hà My chia sẻ: “Nhóm đã liên hệ với BQL chợ Hòa Khánh để lập một gian nhỏ trước chợ, tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng bao ni-lon. Tiếp đó, nhóm sẽ chia đều 500 túi giấy cho khoảng 10 hộ bán đồ khô, cùng họ cam kết dùng túi giấy thay bao ni-lon trong một ngày để họ nhận thấy không quá cần thiết phải dùng bao ni-lon như lâu nay”. Với cách ấy, các thành viên kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của người mua và hướng dẫn họ cách giảm thiểu việc sử dụng bao ni-lon và các sản phẩm plastic.
“Không dễ để nhóm có thể thực hiện thành công dự án này. Điều chúng tôi nhắm tới là đánh thức nhận thức cộng đồng: Phải có trách nhiệm khi sử dụng bao ni-lon và sản phẩm plastic. Chỉ cần thay đổi thói quen, bạn có thể giảm nguy cơ tác hại sức khỏe cho chính mình và nguy cơ ô nhiễm cho môi trường, mà không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc. Chúng tôi sẽ cần sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng”, Thành Long khẳng định.
Bài và ảnh: HẰNG VANG