Ở các khu dân cư mới, một trong những đề tài luôn nóng tại các buổi họp tổ dân phố là nạn rác xây dựng đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có điều cần nói là chính những hộ dân tại khu dân cư lại là người gây nên ô nhiễm môi trường từ việc xây dựng nhà của mình.
Dạo quanh các khu dân cư mới ở các vùng ven như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu... có thể nói tình trạng khá phổ biến là tại các lô đất trống trở thành điểm tập kết của rác trong quá trình xây dựng. Nếu như trước đây, địa chỉ đổ rác xây dựng chủ yếu là các vỉa hè, đoạn đường vắng người, thì thời gian gần đây, với sự tăng cường kiểm tra của chính quyền địa phương, các lô đất trống chưa xây dựng lại chính là nơi đổ rác xây dựng nhiều nhất vì... không bị phạt. Ông Đinh Văn Mười, chủ một lô đất ở tổ 12 phường Hòa Khánh Nam, than thở: “Năm 2009, tôi đã tốn gần 4 triệu đồng để thuê người dọn hết đống xà bần mà những nhà xung quanh đổ vào đây. Sau đó tôi cho xây tường rào và treo bảng “cấm đổ rác” với hy vọng lô đất của mình không bị đổ rác nữa. Thế nhưng mới đây khi đến kiểm tra thì thấy tường rào bị đạp ngã, còn rác đổ vào cao hơn một mét. Bực mình, tôi để nguyên không thuê người dọn nữa, thế nhưng mỗi lần đến đây lại nghe hàng xóm than phiền khu đất của mình gây ô nhiễm môi trường khu dân cư”.
Mặc dù đã được rào kín, thế nhưng lô đất này vẫn bị người dân đổ xà bần. |
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, năm 2009, chị Lê Thị S., chủ 2 lô đất ở khu dân cư Đại Địa Bảo, phường Nại Hiên Đông, cũng đã tốn gần 10 triệu đồng để thuê xe xúc và xe tải chở gần 20 mét khối đất đá tại lô đất của mình để xây nhà. Thế nhưng chủ một nhà gần đó cho biết, chị cũng đã tốn gần 5 triệu đồng để thuê người dọn đống xà bần do thợ xây nhà bà S. đổ sang, nhưng không muốn hàng xóm ồn ào nên im lặng mà làm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, tỏ ra rất bức xúc: Đội Quy tắc đô thị của phường tăng từ 4 người lên 7 người, thế nhưng việc bắt và xử lý tại chỗ các trường hợp đổ rác xây dựng vào những lô đất trống rất khó khăn. Trên địa bàn phường hiện còn cả ngàn lô đất có chủ nhưng chưa xây dựng, thế nhưng số vụ bị bắt và lập biên bản xử phạt rất ít, còn lại chủ yếu là phường bỏ kinh phí ra dọn dẹp. Kinh phí vệ sinh môi trường của phường mỗi năm chỉ 10 triệu đồng, nên chỉ đủ dọn dẹp vài lô đất trống ở những vị trí được xem là ô nhiễm nặng nhất mà thôi. Còn theo một cán bộ quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước sự tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, những người chuyên nhận chở rác xây dựng đã chuyển sang đổ lén vào ban đêm nên việc xử lý càng khó hơn.
Trước tình hình này, mới đây UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý những lô đất bỏ trống gây ô nhiễm môi trường bằng cách bỏ kinh phí ra dọn dẹp, sau đó chủ nhân của những lô đất này muốn sử dụng thì phải bồi hoàn kinh phí, đã được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ.
Bài và ảnh: Thanh Vân