Là một phần của “khúc ruột” miền Trung, hằng năm, thành phố Đà Nẵng thường đối mặt với thiên tai, bão lũ. Trong quá khứ, lũ lịch sử, siêu bão từng xảy ra tại đây. Với phương châm né tránh, thích nghi, một phần chế ngự, khắc phục kịp thời, người dân Đà Nẵng đã kiên gan đương đầu với thiên tai tàn khốc, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Từ thực tế phòng chống lụt bão nhiều năm qua, có thể rút ra 4 yếu tố giúp Đà Nẵng đối phó hiệu quả trước mọi tình huống của thiên tai.
Chủ động đối phó với bão lũ
Mỗi khi có tình huống bão lũ, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố (gọi tắt là BCH) nắm bắt thông tin rất kịp thời, từ đó có sự chỉ đạo sát với tình hình thực tế. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, hoặc lũ lớn tràn về, ít nhất 3-4 công điện chỉ đạo việc phòng chống được chuyển tới BCH các địa phương, sở, ban, ngành. Nhờ vậy, công tác phòng chống triển khai rất khẩn trương. Tàu thuyền của ngư dân đưa về neo đậu đúng nơi quy định, hoặc kéo lên bờ. Người dân tích cực chằng chống nhà cửa. Tại các vùng thường bị ngập sâu, người dân chủ động chuyển tài sản lên gác, chuẩn bị đầy đủ cơ số lương thực, thực phẩm, đưa ghe thuyền về vị trí sẵn sàng cơ động. Ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, lũ quét, ai nấy chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Có thể nói, chủ động đối phó với thiên tai là yếu tố có ý nghĩa quyết định, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chuẩn bị chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ”
Phương châm “4 tại chỗ” luôn được lãnh đạo, BCH các cấp ở Đà Nẵng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc. Trước mùa bão lũ, BCH từ thôn tổ đến thành phố và các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành được kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Công tác PCLB&TKCN năm qua được tổng kết đánh giá, đúc kết rút kinh nghiệm đầy đủ; phương án PCLB&TKCN thời gian tới triển khai đến tận người dân. Lực lượng làm nhiệm vụ PCLB&TKCN được tổ chức thành các tổ đội xung kích, tiến hành luyện tập chu đáo. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ PCLB&TKCN chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cơ động khi tình huống xảy ra. Chỉ tính riêng ở các địa phương thường bị ngập sâu, hàng chục ghe thuyền đã được trang bị, đáp ứng đủ yêu cầu cứu hộ cứu nạn và cứu trợ. Ngoài ra, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại của lực lượng vũ trang và cơ quan chức năng luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đầu mùa mưa bão năm nay, BCH thành phố đã trang bị cho các địa phương 2.150 áo phao, 900 phao tròn, 6 phao bè, 3 nhà bạt, 107 loa cầm tay, 650 túi sơ cấp cứu..., nâng số áo phao, phao tròn đã trang bị cho các địa phương lên hàng chục nghìn chiếc. Vào thời điểm bão lũ, các kho của ngành thương mại dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… Có thể nói, công tác chuẩn bị đối phó với bão lũ ở Đà Nẵng theo phương châm “4 tại chỗ” thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.
Xử lý linh hoạt, hiệu quả mọi tình huống
Đưa tàu lên bờ tránh bão. |
Huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả
Hậu quả do bão lũ để lại thường rất nặng nề, đòi hỏi tốn nhiều công sức, tiền của khắc phục. Vì vậy khi bão vừa tan, lũ vừa rút, công tác khắc phục hậu quả được mọi cấp mọi ngành ra quân với nỗ lực cao nhất, trong đó nòng cốt là lực lượng quân đội, Công an và thanh niên xung kích. Thành phố đặc biệt ưu tiên kinh phí hỗ trợ các vùng bị thiệt hại nặng khắc phục hậu quả. Nhờ vậy, đời sống, sản xuất của người dân các vùng bị thiên tai tàn phá sớm trở lại bình thường.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và nhân dân, thành phố Đà Nẵng tiếp tục củng cố mọi mặt để vững vàng trước bao khó khăn do thiên tai gây ra, đem lại cuộc sống ổn định cho mọi nhà.
Bài và ảnh: Hoài Nam