.

Để rừng Sơn Trà mãi xanh

.
Kết quả quy hoạch 3 loại rừng vào năm 2008, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có tổng diện tích 3.871ha, trong đó 2.591ha rừng đặc dụng. Tại đây, vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có rừng nguyên sinh với thảm động thực vật rất phong phú.
 
Mô tả ảnh.
Loài khỉ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có số lượng lớn.
Theo khảo sát của ngành chức năng, ở khu bảo tồn thiên nhiên này có  985 loài thực vật thân gỗ, thuộc 271 chi, 90 họ, trong đó 22 loài quý hiếm; 171 loài động vật có xương sống (36 loài động vật có vú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư), trong đó 15 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới cần bảo vệ nghiêm ngặt như voọc chà vá, gà mặt tiền, trăn gấm… Hiện tại, khoảng 400 con voọc chà vá chân nâu, loại động vật được mệnh danh là nữ hoàng của loài linh trưởng, đặc biệt quý hiếm cùng một số loài khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng đang cư ngụ. 

Từ trước đến nay, chính quyền các cấp ở Đà Nẵng và ngành chức năng đặc biệt coi trọng việc bảo tồn và phát triển tài nguyên động thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, để nơi đây không chỉ là “lá phổi” của thành phố mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng của du khách gần xa. Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp với chính quyền địa phương liên tục triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Năm nào cũng vậy, 36 cơ quan, đơn vị đứng chân trên vùng rừng, 4 tổ dân phố của phường Thọ Quang và 226 hộ sinh sống, làm ăn ở ven và giữa rừng đều ký cam kết bảo vệ và PCCCR, tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn rừng khu vực mình quản lý.
 
Ngoài lực lượng kiểm lâm, 1 tổ phản ứng nhanh gồm những người dân địa phương tâm huyết với rừng được thành lập. Vào thời điểm nắng nóng khô hanh, kiểm lâm và tổ phản ứng nhanh thường xuyên bám rừng, tuần tra, canh trực, phát hiện xử lý kịp thời các tình huống bất trắc xảy ra. Ông Lê Văn Nhì, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho rằng, hoạt động du lịch sinh thái ở khu bảo tồn này ngày càng sôi động, nguy cơ cháy rừng rất cao. Thời điểm du khách thảnh thơi tham quan du ngoạn đây đó trong khu bảo tồn là lúc lực lượng kiểm lâm căng thẳng, vất vả nhất. Anh em phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ và bất kể sớm trưa, khuya tối, với mục tiêu cao nhất là rừng không bị cháy. Nhờ tuần tra, canh trực chu đáo, năm 2011, đến nay chỉ xảy ra 1 vụ phát lửa tại tiểu khu 64 và đã được dập tắt kịp thời, chưa gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Rừng liên tục được bổ sung tài nguyên thông qua việc trồng cây bản địa. Ngoài diện tích rừng kinh tế, 3 năm gần đây, hàng chục vạn cây chò, sao đen, ươi… đã trồng trên diện tích 35,9ha từ vốn dự án 661.

Bên cạnh bảo vệ an toàn thảm động, thực vật hiện có, bổ sung tài nguyên rừng thông qua trồng cây bản địa hằng năm, lực lượng kiểm lâm ở đây có một nhiệm vụ khá đặc biệt là phải xử lý hiệu quả và bền vững tình trạng dây leo bìm bìm đang xâm hại nghiêm trọng. Ông Lê Văn Nhì cho biết, theo khảo sát của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, hiện ở khu bảo tồn thiên nhiên này có khoảng 900ha dây leo bìm bìm. Hai năm 2008-2009, Chi cục Kiểm lâm đã xử lý 120ha, năm 2010 Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xử lý 170ha. Theo kế hoạch, năm nay sẽ tiếp tục xử lý 300ha. Tuy vậy, do đặc tính loài thực vật này vừa tái sinh bằng chồi, vừa tái sinh bằng hạt, tốc độ phát sinh gây hại rất nhanh, nên việc xử lý gian nan.

Nằm gần trung tâm thành phố, bạt ngàn rừng nguyên sinh với thảm động thực vật hết sức phong phú, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là báu vật của thành phố Đà Nẵng mà tạo hóa đã ban tặng. Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và mọi người dân sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, để rừng nơi này mãi mãi xanh tươi, các loài động, thực vật quý hiếm được bảo tồn và không ngừng phát triển, đa dạng sinh học rừng được bảo vệ.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.