.
Gian nan xử lý ô nhiễm môi trường

Kỳ 3: Mạnh tay xử lý vi phạm môi trường

.

Nếu ai hỏi tôi: “Bằng cảm quan, bạn đánh giá thành phố nào sạch nhất mà bạn đã đến?”, tôi khẳng định: “Đà Nẵng sạch nhất trong những thành phố tôi đã ghé thăm”. Nhưng với mục tiêu của Đề án xây dựng “Đà Nẵng - thành phố môi trường” vào năm 2020,  có lẽ các ngành chức năng và người dân Đà Nẵng vẫn còn quá nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu này.

Mô tả ảnh.
Khai thác đất, đá - một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

 

Những năm qua, chính quyền thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, do sự thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng cùng với những giải pháp chưa phù hợp nên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường (ONMT) vẫn chưa được xử lý triệt để. Chẳng hạn như tại KCN Hòa Khánh, KCN Liên Chiểu…, “thủ phạm” gây ONMT chủ yếu là do nguồn nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại của các nhà máy, xí nghiệp chưa được xử lý “tuồn” ra bên ngoài.

Theo kết quả phân tích nước thải ở KCN Hòa Khánh do Sở TN-MT thực hiện trong năm 2010 cũng cho thấy, hàm lượng chất ô nhiễm như: BOD5,  COD, SS... đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng Fe đã vượt quy chuẩn 1,43 lần, nước thải sau hệ thống xử lý nước thải vượt 17 lần, hàm lượng TSS vượt từ 0,4-1,2 lần, dầu mỡ khoáng vượt 1,54 lần... Và để khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các KCN, UBND thành phố đã giao cho Chi nhánh Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội tại miền Trung (URENCO) lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải (XLNT) KCN Hòa Khánh, bảo đảm nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo quy định, đầu tư xây dựng Trạm XLNT tại KCN Hòa Khánh mở rộng; đồng thời yêu cầu các DN thực hiện việc đấu nối hệ thống XLNT đến Trạm XLNT tập trung để bảo đảm về mặt môi trường. Nhưng theo ông Ngô Lê Quảng, Phó Giám đốc Chi nhánh URENCO tại miền Trung, nguồn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong KCN Hòa Khánh thải ra bên ngoài khoảng 4.000m3/ngày đêm, nhưng hiện chỉ có khoảng gần 3.000m3 được thu gom về Trạm XLNT tập trung, như vậy trung bình mỗi ngày đến có trên 1.000m3 nước thải được “tuồn” ra môi trường.

Là đơn vị quản lý và vận hành Trạm XLNT nhưng công ty lại không có chế tài buộc các DN phải thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến Trạm xử lý. Cũng theo ông Quảng, hiện mới có khoảng 80 DN/130 DN thực hiện việc đấu nối hệ thống XLNT đến trạm. Giải thích về việc DN lén lút xả nước thải nhiều lần sao các ngành chức năng không phát hiện để rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn, Sở TN-MT cho rằng do lực lượng quá mỏng nên không thể kiểm soát được tình hình. Lợi dụng những lúc mưa gió hoặc đêm khuya, các DN đã lén mở van, xả thải ra môi trường. Trong năm 2010, nhiều vụ vi phạm môi trường đã được phát hiện nhưng do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên các DN không sợ.

Việc xử lý phải thật “mạnh tay” mới mong hạn chế được tình trạng này. Đại diện một DN hoạt động tại KCN Hòa Khánh nói rằng: “Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Sức Trẻ (tại đường số 3, KCN Liên Chiểu) bị bắt quả tang đang xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường hồi cuối năm 2010. Công ty này bị thành phố phạt 225 triệu đồng và đình chỉ hoạt động. Nếu DN nào xả trộm nước thải cũng bị xử lý mạnh như công ty trên thì chắc chắn DN đó sẽ không dám xả trộm nữa”. Còn nhớ, trong năm 2008, qua kiểm tra, ngành TN-MT đã phát hiện 6/7 DN ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang vi phạm nghiêm trọng khi thải nước vượt tiêu chuẩn chất lượng gấp cả chục lần ra môi trường. Ngay lập tức, Sở TN-MT đã ra quyết định xử phạt 6 DN gây ô nhiễm với mức phạt từ 22- 32 triệu đồng/DN.

UBND thành phố cũng ra quyết định đình chỉ và đóng cửa các DN này. Thế nhưng không biết đến thời điểm này, những DN nói trên đã có nhà máy xử lý nước thải chưa, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các DN này đã được phép hoạt động trở lại.

Xây dựng “Đà Nẵng -Thành phố môi trường” vào năm 2020 là cái đích mà thành phố Đà Nẵng đang hướng tới. Vì vậy, ngoài ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của người dân, DN, các ngành, địa phương của thành phố cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những đơn vị cố tình vi phạm về môi trường.

* Với mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố thân thiện môi trường với 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý, 70% chất thải rắn được tái chế, 25% lượng nước được tái sử dụng, diện tích cây xanh đô thị đạt 3-4m2/người, bảo đảm các điều kiện khác về nước, không khí…

* Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, tại Đà Nẵng, đến thời điểm này 17/19 cơ sở ONMT nghiêm trọng đã được xử lý dứt điểm, 2 đơn vị còn lại là Bệnh viện Quân y 17 và Sân bay Đà Nẵng chưa thể xử lý được, nguyên nhân là do 2 đơn vị này do quân đội quản lý.

* Ông Lê Đỡ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết:  Từ năm 2004, công ty đầu tư mua 4.000 thùng đựng rác các loại, đặt tại các đường phố và khu dân cư. Hiện cần thêm trên 3.000 thùng nữa mới bảo đảm đủ thùng rác đặt tại các điểm gom rác. Tuy nhiên, hiện hơn 60% số thùng rác trên đã bị xuống cấp cùng với ý thức của người dân chưa cao khiến việc ONMT đang diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều địa phương.

 

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.