.

Gian nan xử lý đất bỏ hoang gây ô nhiễm

.
Trước tình trạng nhiều lô đất chưa được sử dụng gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường, ngày 15-2, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai xử lý các lô đất bỏ hoang này.
 
Mô tả ảnh.
Những lô đất bỏ hoang trên đường Nguyễn Tất Thành cỏ đã mọc lại um tùm.
 
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Sau nhiều ngày ra quân tổng dọn vệ sinh các lô đất chưa được sử dụng, đến thời điểm này, hầu hết các lô đất trống gây ô nhiễm đã cơ bản được xử lý ô nhiễm cũng như  rào chắn lại nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng đổ xà bần, rác rưởi… “Sau khi xử lý xong các lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, Sở đã bàn giao lại cho các địa phương quản lý và khai thác về kinh tế đối với những lô đất chưa sử dụng gây ô nhiễm được thành phố tạm chi kinh phí ra dọn vệ sinh”, ông Điểu nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành, hầu hết những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm đã được dọn vệ sinh, xây hàng rào chắn bao quanh lô đất. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, hiện đã có không ít lô đất lại xuất hiện rác rưởi, xà bần và cỏ mọc um tùm. Bác Hoa, ở tổ 15 phường Xuân Hà (Thanh Khê) cho biết: “Sau khi các ngành chức năng ra quân dọn vệ sinh những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, người dân ở đây ai cũng mừng. Thế nhưng không biết việc quản lý thế nào mà thỉnh thoảng vẫn có ai đó lén lút đổ trộm xà bần ra đây. Hơn nữa, do không được dọn vệ sinh thường xuyên nên hiện cỏ đã mọc lại um tùm, trở thành nơi sinh trưởng cho các loài ruồi, muỗi… Để xử lý triệt để những lô đất hoang gây ô nhiễm, thành phố nên tạm giao lại cho các hộ nghèo để làm nơi buôn bán mà không thu phí. Đồng thời, yêu cầu những hộ được cho buôn bán tại những lô đất này phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường tại khu vực này”.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà cho biết: Riêng địa bàn phường Xuân Hà, kinh phí chi ra xử lý môi trường đối với 151 lô đất bỏ hoang, gây ô nhiễm đã lên tới gần 800 triệu đồng. Hiện tại, Sở TN-MT đã giao lại cho địa phương quản lý, thế nhưng quản lý làm sao không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường tại những lô đất này lại không hề đơn giản vì thiếu kinh phí thực hiện. Ông Tưởng cho biết thêm: Sau khi địa phương nhận bàn giao các lô đất đã được xử lý, UBND phường đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ nhằm tránh tình trạng ô nhiễm lập lại. Tuy nhiên, hiện cỏ mọc um tùm trở lại và không ít người dân vẫn lén lút đổ xà bần, rác rưởi… ra đây.
 
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục ra quân dọn vệ sinh tại những lô đất đã phát sinh ô nhiễm trở lại. Trong tổng số 151 lô đất bỏ hoang được giao cho phường quản lý, hiện đã có 4 chủ đất nộp lại kinh phí cho việc thu dọn vệ sinh, với tổng số tiền 12 triệu đồng. Còn các chủ đất còn lại không biết đến bao giờ mới thu được tiền, bởi ngay cả địa phương cũng không biết chủ đất ở đâu? “Vậy sao phường không cho người dân tạm thuê những lô đất trên để kinh doanh?”, trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Tưởng nói: “Khó lắm! Vì có phải đất của phường đâu mà đứng ra làm hợp đồng cho thuê. Còn nếu cứ để đất trống thì chỉ trong thời gian ngắn, cỏ dại lại mọc um tùm, phát sinh ô nhiễm”.

Bài và ảnh: Phương Anh
;
.
.
.
.
.