.
Vụ trạm xử lý nước thải KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang quá tải:

Sẽ xây dựng trạm xử lý nước thải mới 10.000m3/ngày đêm

.
Trạm
Trạm XLNT tập trung ở KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang xây dựng với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu), công suất 2.000m3/ngày đêm và sử dụng công nghệ xử lý sinh học (kỵ khí, hiếu khí). Tuy nhiên, hiện nay thường xuyên bị quá tải dẫn tới nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân.

(ĐNĐT) – Trạm xử lý nước thải (XLNT) mới có công suất 10.000m3/ngày đêm sẽ được xây dựng thay cho cho trạm XLNT cũ để tránh tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Đó là ý kiến nêu ra tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn với các đơn vị liên quan về vấn đề XLNT tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 8-5.

Ô nhiễm là do quá tải 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi Trường, hiện KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang có 15 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động chế biến thủy sản (hiện nay có 2 DN đang tạm ngưng hoạt động) với tổng lượng nước sử dụng là 1.500-2.000m3 ngày đêm.

Năm 2011, các DN đều có hệ thống XLNT nhưng sau một thời gian đều không ổn định, chất lượng nước thải vượt nhiều lần tiêu chuẩn gây ô nhiễm.

Đến nay chỉ có hai DN còn vận hành hệ thống XLNT là Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận phước và Công ty TNHH Chế biến thực phẩm D&N, song nước thải vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Còn lại các DN khác đều thải trực tiếp ra hệ thống thu gom nước thải tập trung mà không thực hiện bất cứ một công đoạn xử lý nào tại đơn vị. Một số DN còn cố ý xả chui ra ngoài Âu thuyền Thọ Quang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý giao cho Công ty TNHH Khoa học Công nghệ, Môi trường Quốc Việt (Công ty Quốc Việt) xây dựng Trạm XLNT tập trung ở KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu), công suất 2.000m3/ngày đêm và sử dụng công nghệ xử lý sinh học (kỵ khí, hiếu khí).

Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, trạm XLNT này thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là hai lần liên tiếp (trong tháng 6 và tháng 11 năm 2011) xảy ra sự cố gây mùi hôi khiến người dân bức xúc.

Tới đầu tháng 4-2012, Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng tiếp nhận quản lý và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung này từ Công ty Quốc Việt. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và vận hành một thời gian thì tới ngày 16-4 tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại xảy ra do bị quá tải.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TNMT thành phố Đà Nẵng, cho biết theo công suất thiết kế là vậy, nhưng đến nay lượng nước xả thải thực tế là 3.000m3/ngày đêm, có khi cao điểm lên tới 7.000m3/ngày đêm nên việc quá tải đã dẫn tới ô nhiễm.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các DN cũng thường xuyên thay đổi dẫn tới lượng nước thải tăng, trong khi hệ thống thu gom nước thải đã xuống cấp nên nguy cơ sự cố có thể xảy ra bất cứ khi nào. Chưa kể nếu chỉ cần mất điện một giờ đồng hồ thì toàn bộ vi sinh vật xử lý mùi hôi bị chết, gây mùi hôi khó chịu.

Sở TNMT đưa ra kiến nghị thời gian tới, các DN hoạt động tại KCN này phải tiến hành XLNT đảm bảo nồng đô COD trước khi đưa vào Trạm XLNT tập trung phải ở mức thấp hơn 1.500mg/l.

Đại diện một số DN có ý kiến, trong đó tập trung vào vấn đề cho rằng trạm XLNT của Công ty Quốc Việt đầu tư, xây dựng chưa đảm bảo và chưa có kinh nghiệm trong vấn đề XLNT của ngành thủy sản. Trạm XLNT này lại có cao trình cao hơn hệ thống xả thải của các DN gây khó khăn trong việc đấu nối nên có khi xảy ra tình trạng nước từ trạm chảy ngược lại, DN bị xử lý oan…

Các DN mong muốn nếu xây dựng trạm XLNT mới thì cần đưa ra đấu thầu minh bạch để tìm ra đơn vị có năng lực và có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Sẽ xây dựng trạm XLNT mới có công suất 10.000m3/ngày đêm

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, các DN trình bày, kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn giao cho Sở Tài nguyên Môi trường rà soát lại toàn bộ hệ thống XLNT tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (về đường ống, hệ thống thu gom…) và đề xuất phương án vận hành trình lên UBND thành phố trước ngày 25-5.

Kiểm tra và đề xuất các vị trí, khối lượng, kinh phí… tiến hành nạo vét bùn tại khu vực âu thuyền Thọ Quang và báo cáo về UBND thành phố trước 20-5. Đồng thời nghiên cứu biện pháp tăng cường nguồn nhân lực cho Công ty XLNT để vận hành Trạm hoạt động hiệu quả.

Phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề như: trồng cây xanh vành đai xung quanh Trạm XLNT tạo vùng đệm, giảm mùi hôi cho khu dân cư. Kiểm tra và có báo cáo UBND thành phố về lộ trình xây dựng hệ thống XLNT nội bộ của các doanh nghiệp trong KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, báo cáo trước 30-5.

Với những doanh nghiệp, đơn vị nào mà hệ thống XLNT đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn loại B thì được phép xả thẳng ra ngoài môi trường. Với những đơn vị nước thải đầu ra chưa đạt thì yêu cầu phải đưa nước thải vào trạm XLNT tập trung để xử lý và phải trả tiền phí. Các doanh nghiệp cần thực hiện ngay việc tách rác, cát, dầu mỡ, tạp chất… trước khi xả thải ra ngoài.

Về kiến nghị tăng mức giá điều chỉnh XLNT tính theo hàm lượng chất ô nhiễm so với mức cũ của Sở TN-MT, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất mức giá: nếu mức COD dưới 1500mg/l thì tính 6.000 đồng; COD từ 1.500-3.000mg/l là 12.000 đồng và COD trên 3.000mg/l là 18.000 đồng (thấp hơn mức của Sở TNMT đưa ra).

Vấn đề về việc xây dựng trạm XLNT mới có công suất 10.000 m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, hiện UBND thành phố đã chọn lựa vị trí xây dựng trạm này nằm sâu trong khu vực cảng cá (cách trạm cũ khoảng 1km hướng ra biển).

Tháng 7 này sẽ tiến hành khởi công và dự kiến tới năm 2013 mới đi vào hoạt động. Vì vậy, trong thời gian chờ trạm XLNT mới đi vào hoạt động thì vẫn tiếp tục vận hành trạm XLNT cũ. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các DN cần xử lý nội bộ trước khi xả ra trạm thu gom tập trung, đồng thời có sự điều tiết hợp lý tránh tình trạng quá tải.

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.