Tại cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 4 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương vào sáng 23-7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với bão số 4.
Dự báo hướng đi của bão số 4 (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) |
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng vào nơi trú, tránh bão và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, những địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, cần tùy theo diễn biến của bão để chủ động lựa chọn thời điểm cấm biển, không cho tàu cá, tàu du lịch ra khơi; sơ tán dân, khách du lịch... ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, nước biển dâng.
Các tỉnh ven biển Bắc Bộ kiểm tra, rà soát các công trình, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt là các công trình đang thi công. Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh ven biển Bắc Bộ đề phòng mưa lớn; kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, các khu vực khai thác khoáng sản, các khu dân cư có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, khách tại các khu du lịch. Các tỉnh đồng bằng chủ động tiêu nước đệm, tránh ngập úng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ, giữ thông tin liên lạc, hướng dẫn các tàu, thuyền đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển tránh bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định chiều tối 24-7, bão số 4 sẽ đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) tiếp cận bờ biển phía Bắc và có khả năng tâm bão sát Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12.
Đến đêm 24-7 và rạng sáng 25-7 bão sẽ vào đất liền, sau đó suy yếu nhanh. Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 24-7 đến ngày 26-7, các tỉnh phía Bắc sẽ có mưa, lượng mưa dao động từ 100-300mm, đặc biệt 1 số nơi sẽ có mưa trên 400mm. Do vậy, người dân cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi.
Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 23-7, 48.184 tàu với 186.060 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo, hướng dẫn, trong đó có 8.239 tàu, lồng bè với 40.236 lao động đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng và 165 tàu với 1.648 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến thời điểm này, chưa có thiệt hại về tàu, thuyền.
Bão số 4 mạnh lên, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa lớn
Để chủ động đối phó với bão số 4, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Bộ Giao thông Vận tải, Y tế cũng có công điện chỉ đạo triển khai công tác đối phó với bão, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi các nước trong khu vực thông báo tình hình cơn bão số 4 và đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam trú tránh bão và lên bờ khi cần thiết, giúp hỗ trợ, cứu người và sửa chữa tàu thuyền trong trường hợp gặp nạn hoặc sự cố.
Các địa phương ven biển theo dõi sát diễn biến cơn bão, phối hợp chặt chẽ với biên phòng tuyến biển kiểm đếm, nắm chắc số tàu thuyền, cung cấp thông tin và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển trú tránh bão.
TTXVN