.

Quản lý đất trống: Khó?

.

Nhiều khu đất trống trong trung tâm thành phố gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Nhiều con đường khang trang tương phản với sự nhếch nhác đầy cỏ dại, hoang hóa của nhiều lô đất ven đường. Đây là thách thức cho công tác quản lý đô thị ở Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Quang Hạnh, tổ 50, phường Hòa Cường Bắc, sử dụng đất ở bỏ hoang trồng hoa ven đường 30 tháng 4.
Anh Nguyễn Quang Hạnh, tổ 50, phường Hòa Cường Bắc, sử dụng đất ở bỏ hoang trồng hoa ven đường 30 tháng 4.

Theo phản ánh của các địa phương, công tác quản lý đô thị chưa khi nào đạt kết quả như mong muốn, bởi liên quan đến nhiều mặt trong đời sống đô thị. Đó là vỉa hè nhếch nhác, những khu đất bỏ hoang, cây xanh nơi được nơi không, panô quảng cáo lộn xộn, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm...

Thời gian gần đây, tại các khu đất đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn quận Hải Châu vẫn tồn tại nhiều trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm làm nơi buôn bán, gây ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị. Điển hình như các khu đất tại ngã ba đường Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp, khu đất tại ngã tư đường Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai, khu đất tại ngã ba đường Hải Phòng - Nguyễn Chí Thanh, khu đất tại ngã sáu đường Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh và dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, khu đất bên cạnh quán Mậu 2 - đường 2 tháng 9, khu đất tại ngã tư đường Núi Thành - Duy Tân, khu đất tại ngã tư đường 30 tháng 4 - Nguyễn Hữu Thọ... Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều cấp, nhiều ngành quản lý và thậm chí do cá nhân, đơn vị là chủ sở hữu quyền sử dụng đất quản lý, làm cho công tác quản lý đã khó lại càng khó hơn. Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã thị sát tình hình và chỉ đạo UBND quận và các phường trên địa bàn cùng các sở, ngành liên quan có những biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, chỉ đạo Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép tại các khu đất đã được phê duyệt quy hoạch. Nhiều gợi ý cho công tác quản lý đô thị cũng được UBND thành phố chỉ đạo như cho phép sử dụng tạm các lô đất trống để làm khu vui chơi, giải trí cho trẻ em và sân bóng đá mini nhưng không cho phép xây dựng tạm. Đối với các khu đất trống khác chưa được sử dụng tạm theo chủ trương trên, yêu cầu UBND các quận, huyện có trách nhiệm rào, chắn xung quanh để tránh việc đổ rác, xà bần không đúng nơi quy định.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, rất khó để thực hiện bởi đất đai đều có chủ sở hữu. Có địa điểm quận dọn dẹp vệ sinh, lập kế hoạch sử dụng thì đơn vị quản lý đất của thành phố ngăn cản, thu hồi mặt bằng dù trước đó họ để hoang. Đất chủ sở hữu do thành phố quản lý đã vậy thì đất của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp khác càng khó quản lý hơn. Riêng việc lập lại trật tự quản lý đô thị trước Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, ngân sách quận đã phải chi trên 600 triệu đồng. Việc hình thành các khu vui chơi giải trí lại khó khả thi cũng bởi kinh phí. Đầu tư sơ sài, trò chơi đơn điệu thì gây nhàm chán cho trẻ, dẫn đến bỏ hoang như trước. Kêu gọi xã hội hóa thì phải bảo đảm các thủ tục đầu tư xây dựng như quyền sử dụng đất, thời gian thuê hay giao đất, cấp nước, cấp điện, môi trường... “Quận Hải Châu đang tập trung dọn dẹp vệ sinh, tăng cường quản lý mặt bằng, tránh tình trạng nhếch nhác”, ông Lê Anh nói. Tuy nhiên, khi mặt bằng được dọn sạch sẽ thì người dân lại dựng lều bạt, hàng quán buôn bán và chơi trò “cút bắt” với lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị.

Cũng tại quận Hải Châu, đi xa ra vùng ven như phường Hòa Cường Bắc lại có giải pháp quản lý đất hoang như việc giao người dân làm nơi trồng hoa. Tại góc đường 30 tháng 4 - Lê Thanh Nghị, hai anh em Nguyễn Quang Hạnh, Nguyễn Quang Bé đã sử dụng hàng ngàn mét vuông đất hoang ven đường để trồng hoa cúc. Song việc đưa đất hoang vào trồng hoa như tại phường Hòa Cường Bắc không nhiều. Có ý tưởng đề nghị nên đưa các khu đất hoang tại khu vực trung tâm thành phố làm bãi đỗ xe hay giao cho các CLB trồng hoa, cây cảnh sử dụng trưng bày mua bán.

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN
 

;
.
.
.
.
.