.
Sử dụng túi nilon

Biết hại nhưng vẫn dùng

.

Việc đánh thuế đối với túi nilon (TNL) nhằm hạn chế thói quen sử dụng TNL của người dân được thực hiện đã 8 tháng nay. Tuy nhiên, việc sử dụng TNL của người bán và người tiêu dùng tại Đà Nẵng còn phổ biến và mỗi ngày, lượng TNL thải ra môi trường vẫn  còn nhiều.

Biết tác hại của việc sử dụng TNL nhưng người dân vẫn vô tư sử dụng.
Biết tác hại của việc sử dụng TNL nhưng người dân vẫn vô tư sử dụng.

Vô tư xài TNL

Hiện tại, không ít người chưa nhận thức được TNL là một trong những loại rác khó phân hủy nhất. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực ngày 1-1-2012) quy định, TNL là 1/8 mã hàng hóa phải chịu thuế cao ở mức 30.000-50.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Việc đánh thuế cao TNL là nhằm hạn chế việc sử dụng loại túi này, từng bước giảm dần nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Song, do yếu tố tiện dụng của TNL nên nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày của xã hội dường như vẫn không giảm.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn thành phố, hầu hết các mặt hàng đều được người bán đựng trong TNL cho khách, từ rau, cá, trái cây đến quần áo... Tại chợ Hòa Khánh, chị Lê Thị Mến, công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh, đang xách hai tay khá nhiều đồ được đựng dồn trong hai chiếc TNL lớn cho biết: “Ngày nào đi chợ về cũng soạn ra hơn chục TNL, mua có nửa ký cá nhưng phải đựng trong 3 đến 4 lớp bọc vì sợ nước cá chảy ra dính vào đồ ăn khác, 1 bó rau vài ngàn đồng cũng cho vào 1 túi riêng. Tôi rất ít khi xem ti-vi, báo chí nên không biết việc đánh thuế túi nilon để người dân hạn chế sử dụng. Từ trước đến nay, tôi không có thói quen mang theo giỏ xách đi chợ, bởi dùng TNL  gọn nhẹ, tiện treo trên xe và không dùng nữa thì bỏ sọt rác”.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, ngay cả người bán cũng không dè dặt, tiết kiệm TNL, thậm chí họ còn cho thêm nếu thấy người tiêu dùng cần.  Không chỉ sử dụng TNL để đi chợ mà ngay cả việc mua đồ ăn nóng cũng được sử dụng TNL để đựng rất phổ biến. Đây là nguy cơ gây ngộ độc và mắc bệnh ung thư rất cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan tâm đến sự tiện ích hơn.

Lợi bất cập hại

TNL có tác hại rất lớn. Theo khoa học nghiên cứu, nguyên liệu để sản xuất TNL là dầu mỏ và khí đốt, do đó trong quá trình sản xuất nó sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, TNL sau khi sử dụng, thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Cụ thể, TNL lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, làm cho đất bạc màu, kém chất dinh dưỡng, làm cây trồng chậm phát triển. Ngoài ra, việc sử dụng TNL sẽ gây tác hại xấu tới sức khỏe của con người. Vì trong quá trình sản xuất, người ta còn cho thêm các chất phụ gia như chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu... để cho túi có độ mềm, dẻo. Đây là những chất cực kỳ nguy hiểm, có thể làm tổn thương và làm thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống. TNL sau sử dụng, vứt bừa bãi, làm mất mỹ quan đô thị, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường, là tác nhân gây ra những mầm bệnh truyền nhiễm.

Để hạn chế sử dụng TNL khó phân hủy, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công TNL sinh học, tuy nhiên giá thành cao nên chưa phổ biến. Bởi vậy, để TNL không còn là nỗi đe dọa đến cuộc sống con người, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm khác thay thế tiện dụng, rẻ, hợp vệ sinh, đồng thời tuyên truyền ý thức tự giác hạn chế sử dụng TNL trong cộng đồng vì một môi trường xanh - sạch - đẹp. Cần có những biện pháp thiết thực và đẩy mạnh phong trào “nói không” với TNL để bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.