.

Hạn hán đến sớm

.

Mùa mưa năm 2012, tổng lượng mưa tại Đà Nẵng chỉ đạt từ 50 - 80% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt hai tháng chính vụ (10 và 11) chỉ đạt từ 30 - 70%, làm mực nước tại các hồ chứa không bảo đảm.

Trên các sông, dòng chảy và mực nước trung bình ở mức thấp; vùng hạ lưu chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu. Thực trạng trên tác động đến việc cung cấp nước sinh hoạt cũng như ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp toàn thành phố trong năm 2013.

Ngăn đập Miếu Trắng để bổ sung nguồn nước tưới.
Ngăn đập Miếu Trắng để bổ sung nguồn nước tưới.

Mưa ít

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (PCLB), năm 2012, lượng mưa cả năm đo được chưa tới 1.100m, so với bình quân các năm trước chỉ đạt khoảng 50%. Do lượng mưa ít nên 21 hồ chứa nước chưa có hồ nào đầy. Tại thời điểm ngày 1-12-2012, hồ Đồng Nghệ mực nước chỉ đạt 49,7% dung tích; hồ Hòa Trung đạt 46,3% dung tích; hồ Trước Đông đạt 65,2% dung tích. Các hồ chứa nước nhỏ mực nước thấp hơn ngưỡng tràn từ 0,7 - 1,7m. Ngoài ra, có 2 hồ không có nước trữ là hồ An Nhơn (xã Hòa Phú) và hồ Hòa Khê (xã Hòa Sơn). Tại thượng lưu đập An Trạch, mực nước +2.00, mùa mưa năm nay chỉ mở một cửa xả trên tổng 12 cửa, so với cùng thời kỳ mở 8 cửa trên tổng 12 cửa, nên mặn đã xâm nhập sâu vào cửa sông hạ lưu đập.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2013, lượng mưa khu vực miền Trung thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Riêng trong tháng 3, các tỉnh Bắc Trung Bộ lượng mưa dao động từ -20% đến 20% so với trung bình nhiều năm (nguồn: Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng - Dawaco). Theo Dawaco, do nguồn nước sông Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn (thống kê năm 2012), tổng số ngày bị nhiễm mặn trong năm là 87 ngày, có thời điểm độ mặn lên đến 6.084mg/l. Tổng thời gian vận hành của Trạm bơm An Trạch là 1.721 giờ 20 phút, số giờ chạy của tất cả các máy bơm là 5.444 giờ 55 phút, lượng nước thô lấy từ đập An Trạch là 9,8 triệu m3, dẫn đến chi phí sản xuất nước do vận hành trạm bơm tăng trong năm 2012 khoảng 4,5 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2013 đến nay, nước sông Cầu Đỏ tiếp tục bị nhiễm mặn cao. Tổng số ngày mặn trên 250mg/l là 36 ngày, độ mặn ngày cao nhất lên đến 2.913mg/l. Trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ liên tục trong 31 ngày và hiện vẫn đang duy trì chế độ này. Thực tế, Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải bơm nước thô tại thượng lưu đập An Trạch từ ngày 26-11-2012.

Gồng mình chống hạn

Trước khả năng hạn hán kéo dài và đối mặt nguy cơ khốc liệt, từ cuối năm 2012, Công ty Dawaco đã triển khai cải tạo thêm một hệ thống xử lý nước (ngừng hoạt động từ năm 2008), dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5-2013, nâng công suất Nhà máy Nước Cầu Đỏ từ 145.000m3/ngđ lên khoảng 170.000m3/ngđ. Các Nhà máy Nước Sân bay 30.000 m3/ngđ, Nhà máy Nước Sơn Trà công suất 3.000 - 5.000 m3/ngđ và Nhà máy Nước Hải Vân công suất 1.000 - 2.000 m3/ngđ đều hoạt động ở mức tối đa, duy trì công suất cấp nước toàn thành phố là 205.000 - 207.000m3/ngđ.

Theo đại diện Công ty Dawaco, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn nước sông, bảo dưỡng các máy móc thiết bị, đường ống, nhằm bảo đảm vận hành an toàn cho trạm bơm và tuyến ống phòng mặn từ An Trạch về Cầu Đỏ. Chủ động phối hợp với Công ty Quản lý khai thác thủy lợi Đà Nẵng và Chi cục Quản lý khai thác thủy lợi Quảng Nam để kịp thời có thông tin về lượng nước trên sông Yên chảy về trạm bơm An Trạch.

Hạn hán đến sớm, theo dự báo, nếu không có mưa lũ tiết Tiểu mãn 21-5, cộng dồn trên 700mm (thông thường thấp hơn nhiều khoảng 200mm) thì tình hình thiếu nước diễn ra sẽ rất nghiêm trọng trên diện rộng, ảnh hưởng khô hạn đến vụ hè thu 2013 cho các loại cây trồng, nước ngọt dân sinh.

Trước thực trạng trên, ngay từ cuối năm 2012, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất. Cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi đã tiến hành đắp 30 đập bổi trên các trục tiêu của các hệ thống tưới, tận dung triệt để nguồn nước từ kênh tưới tiêu tự chảy cho các chân ruộng thấp; đưa vào hoạt động hai trạm bơm cấp nước tưới cho diện tích cuối kênh của hồ Đồng Nghệ (trạm bơm An Tân một máy bơm loại 1.000m3/giờ, bơm nước từ sông Túy Loan, chống hạn cho 100ha và trạm bơm chống hạn BaRa với một máy bơm loại 1.000m3/giờ, một máy loại 450m3/giờ bơm nước sông Yên tại thượng lưu đập An Trạch - PV) chống hạn cho 115ha. Ngoài ra, công ty cũng đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa 17 máy bơm dầu có công suất 200 đến 250 m3/giờ, xây dựng và đưa vào sử dụng kịp thời trạm bơm điện chống hạn Dương Sơn có công suất 330m3/giờ, bơm nước từ sông Tây Tịnh tưới cho 30 đến 50ha của thôn Cẩm Nê và thôn Dương Sơn cuối kênh trạm bơm An Trạch từ đầu tháng 1-2013.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.