Người dân khu dân cư (KDC) An Thượng, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) phản ánh tình trạng một số hộ dân tự ý nhổ cây xanh trồng theo quy hoạch trên đường để trồng cây khác thay thế, gây mất tính thống nhất, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Cây của dân tự trồng (ảnh trái) và cây trồng theo dự án nâng cấp đường. |
Toàn phường Mỹ An đến nay đã phủ kín trên 80% diện tích cây xanh. Tuy nhiên, hơn 1/2 diện tích trên do người dân trồng tự phát. Công văn số 461 của Sở Xây dựng ngày 5-2-2013 về việc hướng dẫn trồng cây xanh tại các tuyến đường trong KDC trên địa bàn thành phố nêu rõ việc khuyến khích người dân tự bỏ kinh phí để trồng cây xanh tại các tuyến đường trong KDC theo quy hoạch cụ thể, có quy định về vỉa hè, chủng loại cây trồng để phù hợp với quản lý và quy hoạch đô thị.
Thực tế trên địa bàn phường Mỹ An, đến nay cây xanh trong Đề án phát triển cây xanh đô thị chỉ đạt chưa đến 50% độ che phủ. “Các tuyến đường Ngũ Hành Sơn, Hồ Xuân Hương, Chương Dương và rải rác từ 1 - 2 đoạn đường ở một số tuyến đường được trồng cây xanh từ ngân sách dự án. Đa số còn lại đều do người dân tự trồng, chưa kể nhiều nơi cây xanh do Công ty Công viên cây xanh trồng là loại cây nhỏ, khẳng khiu, độ phát triển chậm, ít được chăm sóc nên người dân phải chăm sóc thêm hoặc tăng cường trồng cây để bảo đảm độ che phủ”, ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho biết.
Qua kiểm tra thực tế của chúng tôi, tại một số tuyến đường ở KDC An Thượng, cây xanh được phủ kín. Nhiều đoạn đường có mật độ cây xanh che phủ dày đặc. Tuy nhiên, về chủng loại cây trồng, thường mỗi nhà mỗi kiểu, mạnh ai nấy trồng. Điều này làm mất tính thống nhất về mặt mỹ quan cũng như quản lý quy hoạch. Trên đường Châu Thị Vĩnh Tế, mặc dù độ che phủ lớn với cả đoạn đường dài nhưng mỗi nhà lại chọn một cây trồng khác nhau. Đầu đường là hai cây xoài đã cao lớn, thì tiếp sau đó là hàng cau, xen lẫn cây trứng cá, cây bàng, thậm chí có cả cây tre. Ở một số đường khác, người dân ngoài việc trồng các loại cây sưa, cây lộc vừng, còn trồng cả cây mít...
Theo văn bản về đề án xã hội hóa cây xanh, không ràng buộc về một loại cây nhất định, chỉ khu biệt về chủng loại và tùy theo diện tích vỉa hè từng con đường cụ thể để áp dụng (khuyến khích người dân) trồng cây nào cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến mỹ quan, quy hoạch đô thị và không gây ảnh hưởng nguy hại đến các công trình, kiến trúc nhà ở, giao thông đi lại dưới lòng đường. “Đến nay đa số người dân trồng cây tự phát. Các khách sạn lớn khi trồng cây thường mới có văn bản xin phép, Công ty Công viên cây xanh có trách nhiệm làm việc, hướng dẫn loại cây và cách trồng cụ thể. Tuy vậy, đến nay trên địa bàn phường chưa xuất hiện tình trạng trồng cây gây ảnh hưởng đến môi trường hay nguy hại đến các công trình, mất an toàn với người đi đường”, ông Thành nói.
Ông Trần Văn Thành thừa nhận tình trạng cây trồng ở các con đường trong KDC An Thượng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nhưng trước thực trạng thành phố chưa phát triển trồng cây xanh (hoặc phát triển còn hạn chế) ở các KDC, việc người dân “tự phát” trồng cây bảo đảm độ che phủ là việc làm cần khuyến khích. “Tất nhiên cần phải giám sát, kiểm tra việc trồng cây của người dân để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quản lý quy hoạch KDC. Phường đã có tổ quy tắc đô thị phụ trách vấn đề này”, ông Thành cho biết.
Trong khi số cây xanh của “Nhà nước” trồng ở các tuyến đường trong các KDC đến nay còn rất hạn chế, thường dừng lại mức độ “được chăng hay chớ’”, việc người dân trồng “loạn cây xanh” cũng khó quản lý và giải thích cho họ thấu tình đạt lý về các quy định trồng cây xanh.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY