.

Bão số 11 đang tiến vào vùng Trung Trung Bộ

.

* Học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 14-10 và ngày 15-10

* Dừng phương tiện giao thông trên các tuyến đường nếu bão đổ bộ từ cấp 12 trở lên

Sáng 14-10, ông Võ Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Khoảng 4h ngày 15-10, bão sẽ áp sát bờ biển và có thể đổ bộ vào phía bắc của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Cường độ bão lúc gần bờ giữ ở cấp 11 và 12. Tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành từ Nghệ An đến Đà Nẵng trung bình từ 200mm - 250mm và có thể lên đến 300mm.

Bão gây mưa to, gió tâm bão giật cấp 16

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).

Đường đi và vị trí của bão số 11
Hình ảnh đường đi và vị trí của bão số 11 phát lúc 14h30 chiều 14-10

Hồi 13 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 1 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Theo ông Võ Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi bão số 11 đổ bộ sẽ có ngay đợt không khí lạnh tăng cường mạnh ở phía Bắc. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng mưa của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với mưa của không khí lạnh gây ra.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 16-10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Lào - Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14-10) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (14-10), các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc NCHMF nhận định, bão Nari mạnh tương đương bão Xangsane đổ bộ năm 2006 và bão Wutip (số 10) vừa qua. Khi tiếp cận bờ bão có thể giật cấp 15.

Ông Tăng cho biết, Nari là cơn bão có diễn biến phức tạp, các đài khí tượng quốc tế đưa ra nhiều dự báo khác nhau về vị trí bão đổ bộ. Đài Khí tượng Hải quân Mỹ, dự báo bão đi vào Quảng Nam - Đà Nẵng; Hong Kong dự báo bão vào Thừa Thiên Huế; còn Đài Khí tượng Nhật Bản dự báo tâm bão sẽ ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

"Chúng tôi nhận định khả năng lớn bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Huế vào Quảng Nam", ông Tăng nói.

Theo ông Tăng, nếu bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam thì thời gian dự kiến sẽ là sáng sớm đến gần trưa ngày mai (15-10). Nếu tâm bão chếch lên phía bắc tức là bão đi vào các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, thì thời gian dự kiến bão đổ bộ sẽ muộn hơn vào trưa hoặc chiều 15-10. Còn tâm bão là Quảng Bình, thì bão đổ bộ vào khoảng đêm 15, sáng 16-10.

Dựa vào thời gian dự kiến bão đổ bộ trên thì các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế cần hoàn tất các công việc chuẩn bị phòng chống bão trong tối nay. Quảng Trị, phía Bắc Thừa Thiên- Huế phải hoàn tất trước 7-8 sáng ngày 15-10. Quảng Bình xong trước chiều ngày 15-10.

Đà Nẵng khẩn trương phòng, chống bão

Sáng nay 14-10, UBND thành phố đã có công văn gửi các đơn vị về việc triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 11.

Bão 3. Công nhân Công ty cây xanh Đà Nẵng khẩn trương chặt tỉa những cành cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Công nhân Công ty Cây xanh Đà Nẵng khẩn trương chặt tỉa những cành cây trên tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ảnh: Đ.Mạnh

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ quan đóng trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện Công điện số 11 về công tác phòng, chống bão số 11.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố sẵn sàng 2 xe tăng thiết giáp loại bánh su để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Công an, Sở NN&PTNN, chính quyền địa phương các cấp yêu cầu các chủ phương tiện nghề cá đang neo đậu tàu ở khu vực sông Cẩm Lệ, đưa tàu về neo đậu đúng quy định của thành phố, trường hợp cần thiết tổ chức cưỡng chế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch đường thủy có phương án đảm bảo tính mạng an toàn cho du khách.

Ngư dân quận Thanh Khê nhanh chóng chuyển ngư lưới cụ vào bờ.
Ngư dân quận Thanh Khê chuyển ngư lưới cụ vào bờ. Ảnh: Đ.Mạnh

UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện cử lãnh đạo làm việc với các cơ quan, tổ chức, các đơn vị đóng quân trên địa bàn, đặc biệt các đơn vị thi công các công trình xây dựng, đề nghị các đơn vị này hỗ trợ phương tiện để thực hiện công tác di dân, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khi có đề nghị.

Khi bão đổ bộ vào thành phố từ cấp 12 trở lên, giao Công an thành phố tạm dừng phương tiện giao thông trên các tuyến đường.

Giao Giám đốc Sở Xây dựng làm việc với đơn vị thi công các công trình trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đơn vị thi công tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và người dân trong khu vực. Công ty Công viên Cây xanh triển khai phương án chằng chống cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ.

Các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các tổ chức hội, đoàn thể tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả bão số 11.

Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cho biết đã có hơn 1.800 tàu cá cùng gần 7.432 ngư dân đã vào bờ tránh bão số 11. Hiện có 16 tàu cá với 225 ngư dân đang trên biển chạy tránh bão.

Miền Trung - Tây Nguyên ứng phó với bão

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tính đến 6 giờ ngày 14-10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số gần 44.350 tàu với hơn 180.730 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh.

Theo công văn thông báo của Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng gửi các trường trên địa bàn, chiều nay 14-10 và ngày 15-10, học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học.

Cùng ngày, ĐH Đà Nẵng cũng có công văn khẩn chỉ đạo các trường thành viên, đơn vị trực thuộc yêu cầu chiều 14 và ngày 15-10 tạm ngừng hoạt động học tập, giảng dạy và làm việc nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, nhân viên và sinh viên. Ngoài ra, các trường thành viên, đơn vị trực thuộc phân công cán bộ, nhân viên trực cơ quan, nhà trường 24/24 trước, trong và sau thời gian xảy ra bão, thông tin, báo cáo nhanh các thiệt hại về ĐH Đà Nẵng.

Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã lên phương án chủ động triển khai sơ tán, di dời dân, tổng cộng hơn 38.380 hộ với gần 155.550 người của 35 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Theo dự kiến, tỉnh Quảng Bình có 7 huyện, thị với 6.111 hộ với trên 27.140 người sẽ phải di dời. Tỉnh Quảng Trị có 10 huyện, thị với hơn 13.120 hộ, 43.680 người. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 6 huyện, thị với 3.463 hộ dân. Thành phố Đà Nẵng có 7 huyện, thị với 11.000 hộ dân và tỉnh Quảng Nam có 5 huyện, thị với 4.686 hộ dân.

Tại Quảng Nam: đến thời điểm này hầu hết các hồ thủy điện đã tích đầy nước. Sáng nay 14-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp trực tuyến với 18 huyện, thành phố  triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 có khả năng đổ bộ vào địa bàn tỉnh. 

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10 giờ sáng ngày 14-10, Quảng Nam còn 88 tàu với 2.605 lao động đang hoạt động trên biển. Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương liên tục thông tin cho ngư dân biết để vào bờ và di chuyển phòng tránh bão số 11. Hiện trên địa bàn tỉnh có 32/73 hồ chứa thủy lợi  và 3 hồ thủy điện là A Vương, ĐăkMi 4 và Sông Bung 5 đã tích đầy nước. Các địa phương như Núi Thành, Hội An, Thăng Bình… đã triển khai phương án di dời dân và cho học sinh ở các vùng xung yếu nghỉ học.

Hiện nay, mực nước các sông các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Dự báo chiều và đêm 14-10, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Từ đêm 14 đến ngày 16-10, trên hầu hết trên các sông khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 2, một số sông từ Quảng Bình-Thừa Thiên-Huế có khả năng đạt mức báo động 3.

Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trong khu vực đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến ở mức từ 60-80% so với thiết kế.

Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đang tích nước ở mực nước thấp từ 30-50% so với thiết kế. Hiện có 5/44 hồ chứa đã đầy và qua tràn là hồ Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình), Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), Khe Tân (Quảng Nam). Các hồ chứa tràn có cửa van đang xả điều tiết là Vực Tròn (Quảng Bình), Truồi, Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), Phú Ninh, Khe Tân (Quảng Nam).

Các hồ chứa vừa và lớn đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn là Đăk Uy, Đăk Yên (Kon Tum), Biển Hồ, Tân Sơn (Gia Lai), hồ Buôn Yong (Đắk Lắk).

Ngoài ra, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định lưu ý 28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, cần quan tâm khi mưa lớn xuất hiện.

ĐNĐT tổng hợp

;
.
.
.
.
.