.

Bão số 11 giật cấp 16 đang tiến vào miền Trung

.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 04 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4 giờ này 16-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (14-10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Tích cực chủ động đối phó với bão

Chiều 12-10, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy  PCLB&TKCN  thành phố chủ trì cuộc họp bất thường của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố triển khai công tác ứng phó với bão số 11. Sau khi nghe đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ báo cáo diễn biến bão, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nhận định: Bão số 11 là cơn bão rất mạnh, nhiều khả năng đêm 14 đến sáng 15-10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng. Để chủ động đối phó với bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, các địa phương khẩn trương thông báo tình hình bão cho nhân dân biết, tuyệt đối không được chủ quan; tổ chức chằng chống nhà cửa, trường học, công sở; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân khi cần thiết, chú ý đến người dân, sinh viên, công nhân cư trú trong các nhà trọ, nhà tạm; đề phòng bão kết hợp với triều cường, lũ lớn dẫn đến ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi,  xâm thực sạt lở bờ biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi,  quản lý và thông báo kịp thời cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để có phương án phòng tránh; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn đường sông (Sở Cảnh sát PCCC), Cảnh sát Giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hướng dẫn, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, UBND các địa phương có tàu tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn vào tránh bão ở Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu bố trí lực lượng đưa ghe thuyền công suất nhỏ và thúng máy neo đậu dọc các bãi ngang lên bờ tránh bão. Công việc này phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 13-10.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phòng chống lụt bão cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng dở dang; chỉ đạo Công ty Cây xanh khẩn trương chặt tỉa cành cây, hạn chế ngã đổ. Các cơ quan đơn vị tổ chức phòng chống bão cho các công sở, trụ sở, văn phòng của mình. Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành chằng chống các trường học, thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để thống nhất thời gian cụ thể cho học sinh nghỉ học.

Còn 53 tàu cá/511 lao động đang hoạt động trên biển

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, đến chiều 13-10, trên biển còn 53 phương tiện/511 lao động của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động. Cụ thể: Khu vực Hải Phòng: 7 phương tiện/52 lao động; vùng biển Thừa Thiên-Huế đến Đà Nẵng: 43 phương tiện/299 lao động; tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi: 2 tàu/24 lao động; vùng biển Bình Định đến Khánh Hòa: 6 phương tiện/136 lao động. Hiện các tàu này đều an toàn, nắm chắc diễn biến của bão và đang triển khai các giải pháp đối phó, thường xuyên liên lạc về các trạm bờ.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố là lực lượng nòng cốt, chủ động và phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị phương tiện sẵn sàng triển khai cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xảy ra. Công an thành phố đảm bảo an ninh trật tự, tham gia tổ chức sơ tán dân và làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy triển khai phương án PCCC, nhất là tại khu vực tập trung nhiều tàu thuyền tránh bão. UBND huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng triển khai phương án phòng chống lụt bão cho các  hồ chứa, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình.

Ngày 13-10, công tác chuẩn bị đối phó với bão số 11 diễn ra rất khẩn trương tại các địa phương, sở, ban, ngành, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu cá. Đến chiều 13-10, gần như toàn bộ số ghe thuyền, thúng máy tại các bãi ngang từ Thọ Quang đến Phước Mỹ (quận Sơn Trà), dọc bãi biển đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa phận quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu đã đưa lên bờ. Qua theo dõi của chúng tôi, vào 16 giờ ngày 13-10, tại bãi ngang phường Thọ Quang, chỉ còn khoảng 30 thúng máy đang ở dưới nước. Ngư dân đang tích cực kéo lên bờ, nhiều khả năng ngay trong đêm 13-10, số thúng máy này sẽ được đưa lên bờ.

Hơn 100 tàu neo đậu trên sông Hàn di chuyển về Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang trong ngày 13-10. Đến 16 giờ cùng ngày chỉ còn hơn 10 chiếc đang neo đậu tại đoạn thuộc địa phận phường An Hải Tây (quận Sơn Trà). Tại Âu thuyền Thọ Quang đã có khoảng 900 tàu cá vào neo đậu trú bão, khu vực vịnh Mân Quang gần 300 chiếc. Tàu thuyền đang tiếp tục vào neo đậu tại 2 khu vực này. Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cùng Bộ đội Biên phòng tiến hành sắp xếp tàu thuyền neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn khi bão xảy ra.

Được biết, Bộ đội Biên phòng thành phố đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 tàu, 8 ca-nô, 8 ô-tô, trực chiến sẵn sàng ứng cứu khi tình huống bão, lũ xảy ra. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và 2 xe thiết giáp có khả năng lội nước túc trực sẵn sàng chờ lệnh. Các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân. Hầu như các cần cẩu tại các nhà cao tầng đang thi công đã hạ thấp độ cao, hàng trăm cây xanh đường phố đã được cắt tỉa cành, chống đổ ngã khi có bão.

Các hồ chứa trên địa bàn Đà Nẵng mực nước còn khá thấp. Đến chiều 13-10,  mực nước tại hồ Đồng Nghệ 30,8m, thấp hơn cao trình tràn xả lũ 2,5m; tại hồ Hòa Trung 34,25m, dưới tràn xả lũ 6,75m. Đa số các hồ đập nhỏ nước đã chảy qua tràn, duy chỉ có 4 hồ đập là Hóc Khế, Hố Trảy, Trước Đông và Hòa Khê mực nước đang thấp hơn tràn xả lũ.  

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố cho biết, theo phương án bão đi vào thành phố Đà Nẵng, sẽ tổ chức di dời khoảng 50 nghìn người dân thuộc các vùng xung yếu của huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu đến nơi an toàn, chủ yếu là sơ tán tại chỗ từ nhà thiếu kiên cố đến nhà kiên cố để bảo đảm an toàn cho người dân.

Chiều 13-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN với các bộ, ngành, địa phương từ Quảng Ninh đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão.

N.C

;
.
.
.
.
.