.

Người dân Đà Nẵng gấp rút phòng, chống bão

.

(ĐNĐT) - Để ứng phó với cơn bão mạnh đang đổ bộ vào các tỉnh, thành Trung Trung Bộ, sáng nay (14-10), hàng nghìn người dân và ngư dân Đà Nẵng đã chủ động chằng chống nhà cửa, đưa thuyền lên bờ.

Người dân hối hả chống bão

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Đà Nẵng là một trong những địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 11.

Đến chiều 14-10, gió quật mạnh trên khắp địa bàn thành phố, nhiều nơi người dân không thể di chuyển, buộc phải dắt xe máy qua những đoạn cầu, đường lớn. Gió cũng làm gãy, đổ một số cây xanh ven đường.

Người dân đi đường bị gió thổi ngã xe
Người dân đi đường bị gió thổi ngã xe. Ảnh: facebook/Đà Nẵng
Ngư dân giúp nhau đưa tàu thuyền lên bờ
Ngư dân giúp nhau đưa tàu thuyền lên bờ

Để ứng phó với cơn bão mạnh này, ngay trong chiều qua và sáng nay (14-10), hàng trăm ngư dân đã đổ ra các bờ biển đưa tàu thuyền và ngư cụ lên bờ. Lực lượng dân phòng, bộ đội, hải quân cũng được điều động giúp dân kéo tàu lớn lên tránh tạm ở các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều người dân dùng bao cát, can chứa nước để chằng chống nhà cửa.

Ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cho biết, sau khi nhận tin về bão số 11, UBND phường đã liên tục tuyên truyền bằng loa phát thanh và xe lưu động, thông báo cho người dân chống bão, khẩn trương chằng néo lại nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thuốc men… Và đến thời điểm này, phần lớn các hộ dân trên địa bàn phường đã chủ động đối phó với cơn bão số 11.

Có mặt tại tổ 19, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) vào sáng nay, mặc dù trời mưa nhưng nhà nhà đều hối hả chằng chống lại nhà cửa. Ông Nguyễn Huy Chân (52 tuổi, ở tổ 19, phường Hòa Hiệp Nam) cho biết: “Đa số nhà trong khu này là cấp 4, nên cứ nghe bão vô lại mất ăn mất ngủ. Nhiều hộ dân hôm qua (13-10) còn chủ quan chưa chằng néo lại nhà cửa vì nghĩ bão còn ở xa đất liền, nhưng sáng nay người dân đã phải bỏ công ăn việc làm để ở nhà chống bão”.

Nhiều mặt hàng chống bão tăng giá    

Sáng nay, người dân thành phố đã chủ động mua sắm các mặt hàng dự trữ. Nhiều người đổ xô đi mua bao cát, dây thép để chằng chống nhà cửa, mua sắm thêm lương thực tích trữ trong những ngày mưa bão.

Người dân đến KCN Hòa Khánh lấy cát về chằng chống nhà cửa
Người dân đến KCN Hòa Khánh lấy cát về chằng chống nhà cửa

Mặt hàng được tập trung mua nhiều nhất là các bao đựng cát. Giá cả cũng đắt hơn so với ngày thường. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường Hùng Vương, gần khu vực chợ Cồn, nhiều hàng bày bán bao cát di động bắt đầu xuất hiện. Các cửa hàng bán sỉ mặt hàng này cũng đắt khách hơn hẳn. Một bao đựng cát nhỏ giá 2.500 đồng, bao lớn từ 3.000 - 4.000 đồng, đắt hơn từ 500 - 1.000 đồng/bao so với ngày thường. Để tiết kiệm chi phí cho việc chống bão, không ít hộ dân đã đến KCN Hòa Khánh lấy cát về chằng lại nhà cửa, nhiều hộ còn dùng cả ô-tô đến xúc cát tại KCN này.

Ông Lê Hữu Tuấn ở quận Liên Chiểu cho hay: “Vẫn biết là tăng giá nhưng phải "cắn răng" mua. Thôi, chấp nhận mua đắt chút cũng chả sao, miễn đảm bảo được vật dụng chống bão cho cả gia đình là tốt rồi. Gia đình tôi đã bỏ ra 600 nghìn đồng để mua cát, bao đựng cát, dây thép… về chằng lại nhà cửa cho yên tâm”.

Ngoài ra, thực phẩm là thứ không thể thiếu để dự trữ trong những ngày mưa bão. Nhiều người dân cũng đã lo đi mua mì tôm, đồ hộp, các loại đồ ăn khô... dự trữ.

Các cửa hiệu bán nến, dầu hoả cũng nhộn nhịp hơn những ngày thường. Mặc dù giá dầu hoả ở các cây xăng vẫn giữ nguyên nhưng các tiệm tạp hoá bán lẻ dầu hoả cũng đã nâng lên 500 - 1.000/lít.

Người dân chằng chống nhà cửa để đối phó với cơn bão số 11
Người dân chằng chống nhà cửa để đối phó với cơn bão số 11

Trước diễn biến khó lường của bão số 11, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, sẽ sơ tán khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 nhân khẩu tại khu vực quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và một số vùng lân cận quận Thanh Khê, quận Ngũ Hành Sơn... nhất là vùng dễ bị ảnh hưởng; các dãy nhà không kiên cố, phòng trọ sinh viên, công nhân, ven biển với phương châm sơ tán tại chỗ, di chuyển đến nơi kiên cố lân cận trước 12h trưa nay (14-10) để tránh bão.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban Chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng nhận định: "Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ thì Đà Nẵng là địa phương có nguy cơ bão đổ bộ cao nhất. Với sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15 thì sức tàn phá sẽ ghê gớm không thua kém như cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006, nên các cơ quan, ban, ngành không nên chủ quan mà phải lên phương án sẵn sàng ứng phó”.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.