.

Báo động phá rừng nguyên sinh

.

Ông Huỳnh Ngọc Hạp, Phó ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ hơn 28.000ha rừng nguyên sinh đầu nguồn, trong đó chủ yếu lâm phận xã Hòa Bắc, cho biết: Trước tình hình rừng nguyên sinh bị xâm hại nghiêm trọng, cuộc họp bất thường của lãnh đạo ban vào sáng 16-6 đã quyết định điều động toàn bộ cán bộ, nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam sang vị trí khác. Tình trạng rừng bị tàn phá, trách nhiệm chính thuộc về trạm này.

Gỗ lậu được tịch thu về Hạt Kiểm lâm Hòa Vang.
Gỗ lậu được tịch thu về Hạt Kiểm lâm Hòa Vang.

Trong ngày thứ bảy (14-6), tổ tuần tra truy quét chống chặt phá rừng của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang và Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phát hiện 79 phách gỗ xẻ, tổng khối lượng khoảng hơn 8m3 (chủ yếu gỗ xoan đào và kiền kiền) để rải rác dọc đường sát đèo Mũi Trâu thuộc lâm phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Ngày 15-6, số gỗ trên được tổ tuần tra truy quét tịch thu vận chuyển về Hạt Kiểm lâm Hòa Vang.

Trước đó, vào đêm 11-6, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Hòa Vang mật phục chặn bắt ô-tô BKS 92C 023-88, do Nguyễn Hoàng (1985), trú thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang điều khiển, chở 61 phách gỗ xẻ, tổng khối lượng 6,2m3, tại tiểu khu 22 Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa (lâm phận xã Hòa Bắc) đang trên đường về xuôi. Điều tra sơ bộ, bà Võ Thị Nga cùng chồng là ông Doãn Thành Thịnh, ở tổ 132, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) là chủ xe gỗ. Bà Nga khai nhận chính bà trực tiếp thu mua gỗ do người dân địa phương khai thác trái phép với giá 150.000-250.000 đồng/phách. Khi thuê xe chở về xuôi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Vụ việc đang được Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục điều tra xử lý.

Như vậy, chỉ trong 4 ngày (từ 11 đến 14-6), lực lượng chức năng đã phát hiện tịch thu hơn 14m3 gỗ xẻ. Có thể nói, nạn phá rừng nguyên sinh thuộc lâm phận xã Hòa Bắc đang rất báo động.

Nói về tình trạng rừng khu vực do đơn vị quản lý chỉ trong mấy ngày phát hiện số lượng lớn gỗ lậu, ông Nguyễn Minh Thêm, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam (Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) cho biết: Rừng bị tàn phá kể từ ngày một doanh nghiệp tiến hành khai thác hàng trăm ha rừng trồng tại khu vực đèo Mũi Trâu, thuộc các tiểu khu 14, 17, 20, 24 cách đây gần 1 tháng.

Để vận chuyển gỗ rừng trồng (keo lai) bằng ô-tô về xuôi, công ty đã sửa chữa khoảng 20 cây số đường rừng từ cuối thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc vào khu vực rừng trồng. Lợi dụng tình trạng này, lâm tặc xâm nhập vào rừng, khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng tự nhiên sát rừng trồng. Gỗ khai thác xong, lâm tặc kéo ra sát đường vận chuyển gỗ rừng trồng bán ngay cho đầu nậu gỗ từ dưới xuôi lên. Các đầu nậu gỗ mua thu gom và thuê xe chở về xuôi tiêu thụ.

Ông Huỳnh Ngọc Hạp, Phó ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ hơn 28.000ha rừng nguyên sinh đầu nguồn, trong đó chủ yếu lâm phận xã Hòa Bắc, cho biết: Trước tình hình rừng nguyên sinh bị xâm hại nghiêm trọng, cuộc họp bất thường của lãnh đạo ban vào sáng 16-6 đã quyết định điều động toàn bộ cán bộ, nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam sang vị trí khác. Tình trạng rừng bị tàn phá, trách nhiệm chính thuộc về trạm này.

Ban quyết định điều động ông Phạm Phú Cường, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông về nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Sông Nam kể từ ngày 17-6. Hiện tại, Ban đã tăng cường lực lượng cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang lập điểm chốt chặn tại khu vực rừng trồng nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực này.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.