Môi trường

Dân khổ vì khói lò gạch

07:39, 21/10/2014 (GMT+7)

Hít phải khói thải ra từ lò gạch, người già thì nhức đầu, khó thở; học sinh và cô giáo thì khàn giọng, mệt mỏi… Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm qua ở địa bàn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Nguyên nhân được xác định từ Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình... Người dân đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng này kéo dài, đến nay vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Một góc Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình.
Một góc Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình.

Ông Nguyễn Quang T. (tổ 1, Nhơn Thọ 1, Hòa Phước), cho biết, ban ngày, trời trong xanh, khói từ nhà máy gạch thải ra không nhìn thấy, nhưng khi trời sắp tối thì mắt thường vẫn nhìn thấy được khói thải ra. Nhất là những lúc trời âm u, có mây, khói không bay lên cao được nên lơ lửng ở tầng thấp, cuốn theo chiều gió tràn vào nhà dân, trường học. Ông T. cho biết thêm, khói bụi bay lên, bám vào tôn làm hoen rỉ, có màu vàng hoe trên mái nhà. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Th. (tổ 2, Nhơn Thọ 1) cho hay, từ ngày nhà máy đưa vào sử dụng, thải ra khói và bụi khét nghẹt, khiến bà luôn có cảm giác bất an và luôn nhức đầu, đau họng phải đi viện mấy lần.

Điều đáng nói, nhà máy gạch này không những nằm sát khu dân cư Nhơn Thọ 2, mà chỉ cách Trường tiểu học số 2 Hòa Phước và Trường THCS Nguyễn Văn Linh khoảng hơn 200m. Giáo viên và học sinh ở các trường này thường bị rát cổ, khàn giọng và mệt mỏi khi hít phải bụi và khói từ lò gạch này. Cô Võ Thị Th., giáo viên Trường tiểu học số 2 Hòa Phước cho hay, khói bụi bay ra từ nhà máy rất khó nhìn thấy, nhưng nếu không lau chùi bàn ghế thường xuyên, khoảng 2 ngày thì bụi bám nhiều đến mức có thể dùng tay viết chữ lên mặt bàn được.

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến khói bụi từ Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Lê Thành Trung khẳng định những ý kiến của người dân phản ánh là đúng sự thật. Nhiều lần họp HĐND xã cũng đã ghi nhận và qua các lần tiếp xúc cử tri, xã cũng đã phản ánh về tình trạng này; đồng thời, xã cũng đã đề nghị nhà máy có hướng khắc phục nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm khói bụi từ nhà máy gạch vẫn tồn tại.

Qua làm việc với đại diện của nhà máy, được biết, Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình thuộc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Long Phước có tổng diện tích 17ha, có chức năng sản xuất gạch, ngói, gốm sứ. Nhà máy được đưa vào hoạt động từ năm 2008, hoạt động liên tục 24/24 giờ, có công suất 7 đến 9 triệu viên/năm. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm khói bụi, ông Nguyễn Văn Bản, Quản đốc nhà máy cho rằng: Tình trạng khói bụi bay vào không khí là có thật, nhưng ở mức độ cho phép, đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cấp phép, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Các văn bản liên quan đó có giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường của nhà máy, do UBND huyện Hòa Vang cấp từ năm 2008 và kết luận thanh tra đột xuất về bảo vệ môi trường tại nhà máy của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tháng 3 năm 2011. Theo kết luận thanh tra, nhà máy được thiết kế theo công nghệ mới, năng lượng sử dụng chính là điện nên nồng độ các chất độc hại trong khói thấp, kết quả cho thấy các chỉ tiêu đạt quy chuẩn cho phép (QCVN 05-2009: BTNMT) về chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra chỉ mang tính thời điểm. Đặc biệt, thời gian thanh tra, kiểm tra môi trường tại Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình đến nay đã gần 4 năm. Vì vậy, những ý kiến phản ánh của người dân ở xã Hòa Phước về tình trạng ô nhiễm khói bụi từ Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình rất cần chính quyền các cấp và các ngành chức năng sớm kiểm tra và chấn chỉnh; trả lại bầu không khí trong lành vốn có ở một vùng quê đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng nông thôn mới.

“Đà Nẵng chúng ta đang hướng đến xây dựng thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Thế nhưng, không hiểu tại sao vẫn tồn tại nhà máy sản xuất gạch nằm sát khu dân cư, trường học, hằng ngày vẫn vô tư thải khói bụi ra môi trường? Hít phải khói bụi này một hai ngày thì không sao, nhưng cứ “sống chung” với nó thì người dân ở đây lâm bệnh hết”, một người dân (xin được giấu tên) ở thôn Nhơn Thọ 2 bức xúc.

Bài và ảnh: NGỌC KHANG HUY

.