Môi trường
Rừng đầu nguồn bị tàn phá
Sáng 15-10, vượt quãng đường gần 70km, chúng tôi tìm đến khu vực rừng đầu nguồn Cà Nhông, thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, giáp ranh xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), nơi xảy ra vụ lâm tặc tập kết gỗ lậu với số lượng khá lớn, được cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ trong những ngày gần đây.
Những phách gỗ kiền kiền khai thác trái phép bị lực lượng chức năng tạm giữ. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Trong khi các lực lượng kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đang tiến hành bảo vệ hiện trường, thu gom những phách gỗ lậu để chuẩn bị đưa về xử lý, thì Hạt kiểm lâm Đông Giang cũng đã tập kết hàng trăm phách gỗ kiền kiền về trụ sở UBND xã Tư lập biên bản, tạm giữ.
Chưa thấy vụ phá rừng nào lớn thế này!
Tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông, tổ kiểm lâm cơ động gồm 5 người thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đang bảo vệ vòng ngoài. Gặp chúng tôi, các kiểm lâm viên này cho biết, họ đã túc trực tại đây mấy ngày qua để bảo vệ, hỗ trợ các lực lượng làm công tác thu gom gỗ lậu, nguồn lương thực cũng dần cạn kiệt. Hỏi đường vào khu vực lâm tặc tập kết gỗ lậu, một kiểm lâm viên cơ động cho biết, từ Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông vào đến nơi mất mấy giờ đồng hồ đi bộ, nhưng mấy hôm nay mưa rừng, đường trơn trượt rất khó đi.
Theo ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa, lực lượng kiểm lâm của Hạt đã thu gom được 224 phách gỗ kiền kiền (khoảng hơn 10 khối) trước đó lâm tặc khai thác, tập kết trong địa phận Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Các lực lượng chức năng của Hạt đang thu gom để sớm vận chuyển về Đà Nẵng tạm giữ, điều tra xử lý.
Ngược ra trụ sở UBND xã Tư, 227 phách gỗ kiền kiền, 4 bộ phản gỗ sơn đào, tổng cộng hơn 10 khối, được lực lượng kiểm lâm huyện Đông Giang chất thành hai đống to, chiếm hết một góc sân. Ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, kiêm Tổ trưởng công tác liên ngành xử lý tình hình phá rừng của UBND huyện Đông Giang chỉ tay vào đống gỗ cho hay, ngoài số lượng gỗ này, ngày 6-10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Đông Giang cũng đã thu hồi tại khu vực rừng đầu nguồn Cà Nhông 66 phách gỗ kiền kiền, hơn 14 khối. Chưa bao giờ người dân ở địa bàn xã Tư chứng kiến lượng gỗ lâm tặc khai thác, tập kết trái phép với quy mô nhiều như thế này.
Cũng theo ông Đinh Văn Hươm, ở địa bàn xã Tư lâu nay không còn gỗ, nhất là chủng loại gỗ kiền kiền. Vì vậy, hàng trăm phách gỗ kiền kiền này chắc chắn trước đó lâm tặc đã lén lút khai thác trong Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. “UBND huyện Đông Giang đã chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc, xác minh điều tra truy tìm thủ phạm để xử lý theo quy định pháp luật”, ông Hươm nhấn mạnh.
Buông lỏng quản lý
Trước vụ việc lâm tặc khai thác gỗ lậu cất giấu trong khu vực Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với quy mô lớn như vừa nêu, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, vì đây là vùng giáp ranh giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nên hai bên thống nhất gỗ lậu tập kết ở địa phận nào thì lực lượng kiểm lâm địa phương đó thu gom. Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thu gom gỗ lậu nằm trên địa bàn Đà Nẵng đưa về trụ sở tạm giữ, đồng thời xác định số lượng cụ thể. “Trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với cơ quan Công an lập đoàn kiểm tra, truy tìm nguồn gốc gỗ để xác định khu vực khai thác trái phép, để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn này”, ông Lương nói.
Ở khu vực giáp ranh này có Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông, thế nhưng tình trạng khai thác gỗ lậu vẫn diễn ra ở đây. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Lương cho rằng, chủ rừng ở đây là Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, nên họ có trách nhiệm đầu tiên trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nghĩa là “nhà anh thì anh phải giữ, phải bảo vệ”. Ở đây, gỗ lậu được cưa xẻ thành phách, tập kết ngay trong Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Điều này cho thấy cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ở đây thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra.
Chiều 15-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thừa nhận, ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông có 5 nhân viên và 2 kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa túc trực. Tuy nhiên, khu vực này địa hình hiểm trở, anh em chủ quan, thiếu kiểm tra nên mới xảy ra vụ việc này. Trước mắt, Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, Công an huyện Hòa Vang vào cuộc điều tra. Nếu phát hiện trường hợp cán bộ, nhân viên nào có hành vi tiếp tay, thông đồng với lâm tặc thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ông Phạm Ngọc Sự cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện vụ việc, Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã yêu cầu cán bộ, nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông làm kiểm điểm để có cơ sở xử lý kỷ luật sau này.
Ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết trên địa bàn xã Tư chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào khu vực lâm tặc khai thác, tập kết gỗ trái phép trong Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa mà cơ quan chức năng phát hiện mấy ngày qua. Đáng chú ý, muốn vào đến khu vực lâm tặc tập kết gỗ, thì phải vượt qua Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông. |
NGỌC ĐOAN