Môi trường

304 tỷ đồng đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Phú Lộc

10:55, 24/09/2014 (GMT+7)

Chiều 23-9, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến có buổi làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành về việc triển khai đầu tư Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và Phú Lộc.

Bản đồ quy hoạch hệ thống thu gom nước thải tại Đà Nẵng
Bản đồ quy hoạch hệ thống thu gom nước thải tại Đà Nẵng

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị việc xây dựng trạm XLNT Phú Lộc với công suất thiết kế 120.000 m3/ ngày đêm sẽ được xây dựng từ năm 2019 - 2022, do JICA tài trợ.

Cùng với đó, triển khai tuyến ống chuyển tải từ trạm XLNT Phú Lộc về Liên Chiểu với công suất phù hợp trong dự án phát triển bền vững giai đoạn 2015-2018 để xử lý nước lưu vực Phú Lộc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trạm XLNT Phú Lộc cần phải sớm được đầu tư nâng cấp trong giai đoạn 2015 - 2018, nếu kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, nhằm xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm hiện nay tại khu vực.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến làm việc với lãnh đạo các Sở ngành
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến làm việc với lãnh đạo các Sở ngành

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Văn Hữu Chiến đã đồng ý phương án mở rộng Trạm XLNT Phú Lộc thành 6ha nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cấp trạm xử lý nước thải Phú Lộc đạt công suất 120.000 m3/ngày đêm vào giai đoạn 2030 - 2040, theo hình thức đầu tư BOT.

Trước mắt, sẽ triển khai giai đoạn 1 với kinh phí 304 tỷ đồng để nâng cấp trong 2 năm 2014 -2015. UBND TP giao nhà đầu tư là Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền và Công ty Phát triển môi trường SFC Việt Nam nghiên cứu, sử dụng công nghệ xử lý nước thải SBR (xây kín, xử lý mùi, làm khô bùn) nhằm tiết kiệm 40% diện tích và tiết kiệm chi phí điện năng so với công nghệ mương oxy hóa kéo dài.

Đối với trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, sẽ không triển khai đầu tư tuyến ống chuyển tải nước thải từ Phú Lộc về Liên Chiểu.

Chủ tịch cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát quy mô đầu tư hệ thống gom nước thải dọc từ đường Nguyễn Tất Thành bơm về trạm xử lý nước thải Liên Chiểu; lập quy hoạch trạm XLNT Liên Chiểu đến năm 2040 với công suất 80.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ XLNT SBR cải tiến như trạm ở Hòa Xuân.

Đồng thời, bổ sung nghiên cứu xây dựng tuyến cống bao dọc đường Nguyễn Tất Thành, ven sông Cu Đê để gom nước thải khu công nghệ cao và các khu dân cư lân cận, nghiên cứu xử lý một phần nước thải ở khu công nghiệp Liên Chiểu sau khi đã loại bỏ các chất kim loại.

Danang.gov.vn

.