.

Lo chống ngập từ mùa khô

.

Trong những năm gần đây, hệ thống thoát nước của thành phố Đà Nẵng nhìn chung được cải thiện, giảm cả về quy mô và số điểm ngập.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh về rác ngập hố ga, công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã có mặt kịp thời để xử lý.
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh về rác ngập hố ga, công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã có mặt kịp thời để xử lý.

Năm 2011, toàn thành phố có 91 điểm ngập, đến năm 2015 giảm còn 58 điểm ngập. Công tác lo chống ngập được ngành chức năng triển khai sớm, ngay từ mùa khô.

Có phản ánh là xử lý ngay

Công tác khơi thông cống rãnh, nạo vét các hố ga, mương cống thoát nước phải đến đầu mùa mưa mới triển khai đồng loạt, song với những cán bộ, công nhân thuộc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng hễ phát hiện điểm nào đang tắc nghẽn hoặc có hiện tượng ô nhiễm là xử lý ngay. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, hàng chục sự cố về thoát nước hay môi trường đã được giải quyết nhanh gọn.

Anh Lê Văn Tiến, chuyên viên Phòng Công nghệ môi trường, Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, cho biết: “Đa số các điểm này có chung tình trạng nước thải chảy tràn, bùn lấp miệng cống hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải gây ô nhiễm. Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân hoặc các cơ quan thông tin đại chúng, công ty cử người xuống hiện trường kiểm tra và xử lý ngay”.

Tại kênh hở Khuê Trung - Đò Xu phát sinh ô nhiễm do lượng tảo nổi và chết gây ra mùi hôi. Ngoài ra, do trạm bơm quá tải khiến nước thải chảy tràn ra kênh gây ô nhiễm. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công ty TN&XLNT Đà Nẵng đã cử cán bộ xuống phun chế phẩm xử lý mùi hôi và rải các chất hoạt hóa để xử lý. 

Tại hố ga trên đường Nguyễn Tri Phương, do mưa lớn, lượng rác thải tập trung nhiều gây ứ đọng nước làm phát sinh mùi hôi, công ty cử công nhân nạo vét làm sạch vị trí để nước thải được lưu thông tránh ứ đọng, giảm mùi hôi. 

Tại đường Nguyễn Huy Tưởng, do nước thải của các cơ sở sản xuất chưa qua xử lý xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước khiến nơi đây trở thành điểm ô nhiễm, nhận được thông tin phản ánh, công nhân có mặt kịp thời để khắc phục. “Công tác khắc phục sự cố được triển khai nhanh nên việc tắc nghẽn dẫn đến ô nhiễm tại các hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố giảm đáng kể. Hơn nữa, người dân địa phương cũng đồng thuận nên công tác xử lý đạt được hiệu quả cao”, anh Tiến cho biết thêm.

Còn 58 điểm ngập

“Năm 2011, toàn thành phố có 91 điểm ngập, đến năm 2015 đã giảm xuống còn 58 điểm ngập. Trong năm 2014, thống kê có 61 điểm ngập, tuy nhiên thực tế chỉ có 33 điểm ngập trọng điểm. Do năm 2014, lượng mưa trung bình không lớn, nhờ đó phạm vi ngập và độ sâu ngập, thời gian ngập cũng giảm theo”, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty TN&XLNT cho biết.

Năm 2015, toàn thành phố dự kiến còn 58 điểm ngập. Trong đó, quận Hải Châu có 2 điểm, quận Thanh Khê 9 điểm, quận Sơn Trà 12 điểm, quận Ngũ Hành Sơn 8 điểm, quận Liên Chiểu 16 điểm, quận Cẩm Lệ 7 điểm và huyện Hòa Vang 4 điểm. “Năm nay, tình trạng ngập vẫn tồn tại, vì thế, ngay từ đầu năm, công ty đã triển khai khơi thông, nạo vét các tuyến kênh mương, ao hồ giúp thoát nước tốt, nhất là trong mùa mưa.

Về lâu dài, các điểm ngập thường xuyên trước đây như Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Hàm Nghi… đã được thành phố đưa vào Dự án Phát triển bền vững nên khi hoàn thiện sẽ giảm đáng kể các điểm ngập nội đô”, ông Mai Mã cho biết thêm.

Hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện thành lập Tổ phòng chống ngập để phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố ngập nặng. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lên kế hoạch cho Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh để huy động các lực lượng tham gia dọn vệ sinh, nạo vét mương cống thoát nước.

Công ty TN&XLNT tiến hành xây dựng các mốc ngập để cập nhật số liệu chính xác khi xảy ra ngập nặng… Ngoài ra, để công tác giảm ngập được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thành phố cũng cần can thiệp đối với các đơn vị có các đường dây cáp quang đi ngang qua các cống thoát nước nhằm lưu thông dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.