Môi trường
Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người
Trong 21 cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã vinh dự nhận được giải thưởng này.
Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh (giữa) hướng dẫn các hội viên Hội LHPN làm phân hữu cơ. |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh cho biết:
-Tôi rất vui mừng và tự hào là 1 trong 21 cá nhân trong cả nước vinh dự được Bộ TN&MT tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015. Tôi nghĩ rằng, giải thưởng này là cả quá trình nỗ lực chung tay của các tầng lớp phụ nữ thành phố Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường.
Đây thực sự là nguồn động viên to lớn đối với bản thân tôi cũng như với cán bộ, hội viên phụ nữ để cùng với nhân dân thành phố xây dựng Đà Nẵng bền vững về môi trường.
* Đây là giải thưởng dành cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường. Vậy, bà đã có những nỗ lực cụ thể gì để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường chung của thành phố?
- Từ năm 2011 đến nay, với tư cách là Chủ tịch Hội LHPN thành phố, tôi đã đề xuất và chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc thực hiện mô hình “Mái nhà xanh”, với 3 tiêu chí: “Mái nhà xanh - 5 không” (Không có người vi phạm pháp pháp luật và tệ nạn xã hội; Không có bạo lực gia đình; Không sinh con thứ ba trở lên; Không có trẻ suy dinh dưỡng; Không có trẻ bỏ học); qua đó góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố; “Mái nhà xanh - 3 sạch” (Sạch nhà; Sạch bếp; Sạch phố) và “Mái nhà xanh - 2T” (Tiết kiệm và Tận dụng).
Để góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, tôi đã khai thác sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động phát triển đô thị để xây dựng các nhóm Sống xanh tại khu dân cư, chỉ đạo và triển khai trong các cấp Hội thực hiện chương trình “Sống xanh” thông qua các hoạt động: thành lập nhóm, tập huấn, giới thiệu kiến thức về môi trường, sức khỏe; hướng dẫn trực tiếp cho chị em phụ nữ cách phân loại rác thải, quy trình làm phân hữu cơ, cách trồng rau mầm trong thùng xốp, bí quyết tiết kiệm điện, nước… Được triển khai thử nghiệm từ năm 2010, đến nay, toàn thành phố, Hội LHPN đã xây dựng được 66 CLB Sống xanh/1.367 thành viên, 798 nhóm Sống xanh/với 8.973 thành viên.
Đặc biệt, mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” đến nay đã được triển khai tại 56/56 phường, xã. Từ rác thải phế liệu có thể tái chế sử dụng, chị em thu gom bán gây quỹ được 893 triệu đồng. Hội phụ nữ các phường, xã và chi, tổ sử dụng nguồn quỹ này để xây nhà vệ sinh cho các hộ phụ nữ đặc biệt nghèo, hỗ trợ sinh kế cho phụ nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo và mua sắm giỏ/làn đi chợ, hộp đựng thực phẩm, thùng phân loại rác… cho các hộ gia đình.
Năm 2012, tôi đã khởi xướng và chỉ đạo phát động công trình thi đua “Trồng hoa và cây xanh vì thành phố bền vững về môi trường” năm 2014. Các cấp hội trồng được 2.583 cây xanh, chậu cây; 2.049 chậu rau sạch; 1.531 bồn. Qua đó tạo nền nếp trong cán bộ, hội viên phụ nữ trồng cây xanh tại hộ gia đình.
Hưởng ứng các phong trào “Ngày chủ nhật sạch”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Tháng hành động bảo vệ môi trường”, “Ngày môi trường thế giới 5-6”, “Ngày làm cho thế giới sạch hơn 24-9” và các ngày lễ lớn khác…, các cấp hội đã vận động chị em ra quân dọn vệ sinh ở các kiệt, ngõ hẻm, các khu vực trọng điểm, bãi biển, khơi thông cống rãnh…; duy trì 1.754 đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp và 432 tổ phụ nữ buôn bán văn minh, lịch sự, vệ sinh môi trường.
Năm 2014, vượt qua 140 sáng kiến, sáng kiến của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng được chọn vào top 12 sáng kiến nhận giải thưởng tại Hội nghị Biến đổi khí hậu (COP20) của Liên Hợp Quốc (Việt Nam có 1 giải thưởng duy nhất thuộc về Hội LHPN thành phố Đà Nẵng). Đó là sáng kiến mô hình nhà ở an toàn có khả năng chống chịu với gió bão ở cấp độ 15-16 cho các hộ phụ nữ nghèo và thu nhập thấp tại 8 địa phương dễ bị tổn thương nhất của Đà Nẵng. 320 ngôi nhà đã được xây dựng, cải tạo với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng (kế hoạch đến 2017 là 420 ngôi nhà chống bão).
Với những nỗ lực đóng góp của bản thân trong công tác bảo vệ môi trường, năm 2013, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng được nhận Giải thưởng Môi trường do Bộ TN&MT trao tặng và bản thân tôi năm nay được nhận giải thưởng này.
* Truyền thông về môi trường là công tác khó, nhất là việc làm thay đổi nhận thức để mỗi cá nhân có hành vi đúng đắn và đặc biệt là cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Vậy, bà đã có “bí quyết” gì để lôi kéo mọi người cùng tham gia các chương trình, phong trào bảo vệ môi trường?
- Trong công tác bảo vệ môi trường, sự tham gia của người dân, trong đó có các tầng lớp hội viên phụ nữ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng thành công Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Năm nay, Đà Nẵng cũng được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam và đây là một trong những minh chứng rõ nét về việc cộng đồng đã tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Để “lôi kéo” mọi người cùng tham gia các chương trình, các mô hình của Hội LHPN, trước hết, những mô hình, chương trình đó phải thiết thực và thực sự tạo sự lan tỏa, được cộng đồng hưởng ứng. Đồng thời, đối với phong trào bảo vệ môi trường, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN với các ban, ngành, hội, đoàn thể, từ thành phố đến cơ sở là rất cần thiết…
* Trong lúc đảm đương nhiều chức trách, điều gì làm bà tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường đến vậy?
- Là công dân của Đà Nẵng, tôi cũng như những người dân khác rất tự hào khi thành phố chúng ta trong những năm gần đây được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến với tên gọi rất tự hào “Thành phố đáng sống”, “Thành phố môi trường”.
Tất cả lời khen, phần thưởng cao quý đó chính là sự ghi nhận về thành quả bước đầu, và là sự thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng trong tiến trình thực hiện bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Và trong nỗ lực ấy, rất cần có sự chung tay đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng.
Do đó, dù công việc bận rộn, tôi cũng luôn ưu tiên dành thời gian cho hoạt động bảo vệ môi trường. Đó cũng là niềm tự hào và là hành động để bảo vệ môi trường sống, là trách nhiệm của mỗi người đối với chính bản thân mình, đối với cộng đồng và thành phố Đà Nẵng thân yêu.
THANH TÌNH thực hiện