Môi trường

Đối thoại đầu tuần

Năm 2018, cơ bản giải quyết thoát nước đô thị

07:26, 21/09/2015 (GMT+7)

Hầu hết các điểm ngập hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có phương án kỹ thuật xử lý lâu dài. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho thoát nước rất lớn nên cần có lộ trình thực hiện phù hợp với khả năng ngân sách thành phố. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Nam cho biết, đến năm 2018 sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thoát nước đô thị Đà Nẵng.

Đường Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai cứ mưa là ngập. (Ảnh chụp ngày 14-9-2015). Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai cứ mưa là ngập. (Ảnh chụp ngày 14-9-2015). Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Thưa ông, đường phố ngập lụt vào mùa mưa luôn là vấn đề làm cử tri bức xúc và được nêu rất nhiều lần tại các kỳ họp HĐND thành phố từ năm 2010 đến nay. Vậy mùa mưa năm 2015 này, Sở Xây dựng có tham mưu giải pháp gì mới để hạn chế ngập lụt?

- Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND (ngày 25-3-2015) về kế hoạch xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố năm 2015, trong đó triển khai một số công việc chính: triển khai công tác nạo vét hệ thống thoát nước nhằm hạn chế tình trạng ngập và bảo đảm vệ sinh môi trường; đầu tư xây dựng mới các công trình thoát nước xử lý ngập úng đã có chủ trương; cải tạo những vị trí hệ thống thoát nước bị xuống cấp, hư hỏng, đấu nối chưa hợp lý; đánh giá, phân loại các điểm ngập; tiếp tục phân cấp quản lý hệ thống thoát nước để chủ động xử lý ngập cho các địa phương; xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hoặc tự ý cải tạo công trình thoát nước; lập quy hoạch thoát nước mưa, nước thải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước năm 2015 nhằm nâng cao hiệu quả xử lý thoát nước tạm thời tại các vị trí thường xuyên bị ngập úng cục bộ. Theo tham mưu của Sở Xây dựng, UBND thành phố thống nhất danh mục công trình nạo vét mương cống ưu tiên thực hiện hằng năm bảo đảm thoát nước khu vực trung tâm và phù hợp với tình hình ngân sách thành phố hiện nay.

* Hiện tại, còn bao nhiêu điểm ngập chưa xử lý và giải pháp trước mắt như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng còn 58 điểm ngập, giảm 37 điểm so với năm 2011, trong đó có 9 điểm đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng, đang chờ kiểm nghiệm hiệu quả thoát nước trong mùa mưa năm nay để đưa ra khỏi danh mục nếu hết ngập. Qua cơn bão số 3 vừa rồi, Sở Xây dựng đang phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát đánh giá mức độ ngập của 9 điểm này.

Về giải pháp trước mắt, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ yếu tập trung thực hiện phương án bảo đảm thoát nước tạm thời như: nạo vét, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước hiện trạng, dẫn dòng thoát nước trong phạm vi các dự án triển khai dở dang, bổ sung cải tạo mở rộng cửa thu nước trên các tuyến đường.

Các điểm ngập nặng hầu như đã có phương án xử lý cần có nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch đã được duyệt. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục và thường xuyên phối hợp với các đơn vị kiểm tra, theo dõi các điểm ngập cũ để xử lý kịp thời, tránh việc tái ngập; ngoài ra, khẩn trương phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để có cơ sở triển khai thi công sớm các dự án, hạng mục đã được UBND thành phố phê duyệt (Dự án Phát triển bền vững, các hạng mục; nâng cấp, cải tạo các tuyến cống cũ trong nội thị...).

* Ông có thể cho biết ngân sách thành phố bố trí bao nhiêu cho các giải pháp chống ngập tạm thời trong năm 2015?

- Phương án thoát nước tạm thời chủ yếu là nạo vét, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước hiện trạng, dẫn dòng thoát nước trong phạm vi các dự án triển khai dở dang, bổ sung cải tạo mở rộng cửa thu nước trên các tuyến đường, đòi hỏi kinh phí không lớn. UBND các quận, huyện, các đơn vị điều hành dự án, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải chủ động sử dụng kinh phí đã được cấp hằng năm, kinh phí trong dự án để thực hiện.

Hầu hết các điểm ngập đã có phương án kỹ thuật xử lý lâu dài nhưng do kinh phí đầu tư cho thoát nước rất lớn nên cần có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với khả năng ngân sách thành phố. Qua rà soát, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đưa vào dự án Phát triển bền vững một số hạng mục, công trình tuyến cống chính cấp I, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã tổng hợp ý kiến của Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan đề xuất UBND thành phố bổ sung một số công trình xử lý ngập trọng điểm vào dự án Phát triển bền vững như: các công trình xử lý ngập úng khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng (Xóm tắm), trạm bơm cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm... Tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục này phụ thuộc vào kế hoạch chung của dự án.

* Nếu được đầu tư đúng mức thì đến thời điểm cụ thể nào sẽ chấm dứt được các điểm ngập?

- Nguồn kinh phí chủ yếu để xây dựng hệ thống thoát nước chính thành phố là từ Dự án Phát triển bền vững. Theo tiến độ, các hạng mục thoát nước sẽ bắt đầu triển khai thi công từ quý IV năm 2015, dự kiến kéo dài và hoàn thành từ năm 2016.

Đến năm 2018 cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề thoát nước đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc xử lý thoát nước chống ngập úng đô thị cần tiến hành thực hiện thường xuyên, liên tục cùng với quá trình xây dựng phát triển hạ tầng đô thị mới bảo đảm hiệu quả lâu dài, đồng thời phải dự lường chính xác các tình huống liên quan đến quá trình biến đổi khí hậu mới có thể xử lý triệt để được.

* Cảm ơn ông!

Sắm trâu nhưng không mua cày

Đó là hình ảnh được ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, ví von khi nói về những tấm lưới chắn rác ở các trạm bơm thoát nước của thành phố Đà Nẵng. Theo ông Mã, Trạm bơm Thuận Phước được đầu tư 88,5 tỷ đồng nhưng trang bị các tấm chắn rác tại trạm bơm rất thủ công.

Khi trời mưa lớn, nhiều rác vướng vào tấm chắn gây ngập do tắc dòng chảy. Để xử lý việc này phải kéo tấm chắn lên rồi nhặt hết rác ra khỏi tấm chắn rồi thả xuống lại. Ở các thành phố lớn khác, những tấm chắn này được thiết kế có mô-tơ quay lưới tự động gom rác vào một chỗ trong khi nước mưa vẫn chảy thoát. Những cơn mưa trong bão số 3 vừa rồi gây ngập nước 25cm tại đường Hải Hồ là vì nguyên nhân này.

Ông Mã cho rằng, việc bố trí khoảng cách giữa hai cửa thu nước mưa trên các tuyến đường hiện nay của thành phố với mật độ 40m, 50m có 1 cửa thu nước mưa là theo thiết kế của Liên Xô (cũ). “Nhưng khí hậu, lượng mưa của họ khác mình. Bố trí như vậy sẽ còn ngập nữa”, ông Mã nói.

Cũng theo ông Mã, hiện nay còn một số hồ, đầm trên địa bàn thành phố chưa bàn giao cho công ty quản lý để chủ động kiểm soát vấn đề thoát nước cũng như ô nhiễm. Chẳng hạn, bàu Gia Hạ, bàu Gia Thượng thoát nước ra sông Cẩm Lệ tồn đọng bèo rác từng gây ngập đường Cách mạng Tháng Tám trong năm 2013 và các năm trước.

Đơn vị xây hồ điều tiết Hòa Phú thi công nhiều năm đến nay vẫn chưa bàn giao cho công ty quản lý. Do đó, vấn đề bèo rác trôi từ thượng nguồn về đây không có ai lo. Trước cơn bão số 3 vừa qua, dự báo bèo rác dồn về đây sẽ gây ngập cho phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam nên công ty phải cho người và phương tiện đến vớt bèo từ ngày 14-9 đến nay vẫn chưa xong do khối lượng bèo rác quá lớn.

SƠN TRUNG thực hiện

.