Môi trường
Sạt lở bờ sông Cu Đê
Hợp lưu từ sông Nam, sông Bắc, sông Cu Đê ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng chảy qua địa phận 2 xã Hòa Bắc và Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Bắc, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) ra biển. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay đôi bờ sông này bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ sông Cu Đê bị sạt lở đe dọa sự an toàn cả trụ điện đường dây 220kV. |
Gần cuối năm 2013, nếu không triển khai xây kè đá bảo vệ kịp thời có lẽ đường ĐT601 đoạn qua thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc bị cắt đứt hoàn toàn. Hồi đó, do sạt lở, đường độc đạo ngược lên các thôn phía Tây của xã Hòa Bắc chỉ cách bờ sông vài mét. Bờ kè đá thi công khẩn cấp đã cứu đoạn đường này không bị nước cuốn trôi.
Từ bờ kè đá tại thôn Nam Mỹ xuôi về phía hạ du, bờ sông Cu Đê nhiều đoạn lấn sâu vào đất canh tác hàng chục mét, đe dọa sự an toàn các khu dân cư và công trình dân sinh 2 bên bờ. Trong đó, khu vực bị sạt lở nghiêm trọng nhất là địa phận thôn Quan Nam 6, xã Hòa Liên.
Trước đây, thôn Quan Nam 6 có hơn 200 hộ, nay do giải tỏa di dời còn khoảng 100 hộ. Là vùng thuần nông, nhưng thôn này chỉ có 11ha đất lúa, 5-6 ha đất màu sát sông Cu Đê. Do bờ sông liên tục bị sạt lở, không ít đất canh tác trôi theo dòng nước, bà con trồng bạch đàn thay thế trồng đậu, mè, với mục đích ngăn chặn tình trạng sạt lở. Nhưng rồi, những cây bạch đàn to, rễ chằng chịt cũng không chống nổi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Thửa ruộng 1,8 sào của gia đình ông Võ Thông sát sông Cu Đê, trước đây trồng đậu, mè nhưng nay, ruộng chỉ còn một nửa và đã trồng bạch đàn. Ông Thông cho biết: “Là nhà nông chỉ biết bám đất để mưu sinh, thế mà năm nào ruộng cũng bị bóc đi một ít. Không chỉ gia đình tôi, ở thôn này ít nhất 70-80 hộ lâm vào tình trạng tương tự. Lần nào đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố về tiếp xúc cử tri, vấn đề sạt lở bờ sông mất đất canh tác được bà con kiến nghị nhiều nhất, thế nhưng chẳng thấy ai giải quyết”.
Chúng tôi đi cùng ông Nguyễn Dũng, Phó thôn Quan Nam 6, lội dọc bờ sông Cu Đê. Bờ sông bị sạt lở nham nhở. Nhiều cây bạch đàn trơ bộ rễ chằng chịt sát bờ. Ngược lên địa phận thôn Quan Nam 3, bờ sông đã lấn vào đất canh tác hàng chục mét, tạo thành vòng cung. Trụ điện cao thế 220kV chỉ cách bờ sông chừng 10m.
Ông Dũng cho hay, trước đây bờ sông bên này cách bờ hiện tại khoảng 40 - 50m. Nếu không có giải pháp kịp thời, chẳng bao lâu nữa, trụ điện này cũng sẽ nằm dưới sông. Ông Dũng lý giải về nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng này là do ghe hút cát đào bới từ năm này sang năm khác. Thôn đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến là phía bên kia sông do lấn dòng đắp hồ nuôi tôm, dòng chảy chuyển mạnh sang bên này gây xói lở. Rồi do thiên tai lũ lụt. Cứ sau mỗi mùa lũ, bờ sông 2 thôn Quan Nam 3, Quan Nam 6 bị lấn sâu chừng 2-3 m.
Nói về nạn hút cát trên sông Cu Đê tàn phá bờ sông, công luận cũng đã từng lên tiếng, tuy vậy, chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm. Đơn vị thường xuyên hút cát trên sông Cu Đê là một doanh nghiệp tư nhân ở quận Liên Chiểu. Nhiều năm nay, doanh nghiệp này có 2 điểm tập kết cát ở 2 bên bờ sông Cu Đê, một ở Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc, một ở phường Hòa Hiệp Nam.
Tại 2 điểm tập kết cát này có 2 xe múc chuyên chuyển cát từ ghe lên bờ và từ bờ lên ô-tô. Chuyện đào bới, hút đưa cát trên sông về 2 điểm tập kết này là 4-5 ghe loại lớn. Lúc cao điểm, mỗi ngày hàng trăm mét khối cát được chuyển đi từ 2 điểm tập kết này. Thời gian gần đây, việc hút cát đang án binh bất động.
Dòng sông Cu Đê đã và đang bị sạt lở và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp, cơ quan chức năng do không ngăn chặn kịp thời, triệt để tình trạng đào bới hút cát dưới lòng sông nhiều năm trời. Để bảo vệ bờ sông, nhất là trụ điện của đường dây 220kV, cần khẩn cấp xây dựng kè chống sạt lở bờ sông.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU