Môi trường

Thủy điện cần làm đúng quy trình vận hành liên hồ

07:19, 13/09/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Đó là đề nghị của ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng ngày 12-9 về tác động của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, do Chính phủ ban hành ngày 7-9-2015 đối với tình hình nhiễm mặn và bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp ở Đà Nẵng.

Quy trình buộc hồ thủy điện Sông Bung 4 phải vận hành xả nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu cho sông Vu Gia.
Quy trình buộc hồ thủy điện Sông Bung 4 phải vận hành xả nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu cho sông Vu Gia.

* Thưa ông, khách quan mà nói, từ cuối mùa lũ 2014 đến giữa tháng 7-2015, nhờ có thêm Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 và sự phối hợp vận hành tốt với NMTĐ A Vương nên đã cải thiện tình hình nhiễm mặn. Nay có thêm quy trình vận hành mới, tình hình nhiễm mặn được cải thiện hơn không?

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Hi vọng là như vậy! Trong mùa cạn, từ ngày 16-12 đến 31-8 năm sau, quy trình đã chọn 2 mốc cao trình mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67m và 2,8m để làm căn cứ vận hành xả nước từ các hồ thủy điện tương ứng với thời kỳ sử dụng nước bình thường, sử dụng nước gia tăng và theo thời đoạn 10 ngày.

Trước đây, chỉ có NMTĐ A Vương, Sông Bung 4 và 2 NMTĐ vận hành phối hợp là Sông Bung 4A, Sông Bung 5, thì nay có thêm NMTĐ Đăk Mi 4 thường xuyên xả nước về sông Vu Gia. Hằng ngày, căn cứ vào mực nước thực đo lúc 7 giờ sáng tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, 3 NMTĐ A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 vận hành xả nước với các mức quy định tại quy trình.

Đồng thời, khi NMTĐ Sông Bung 4 vận hành xả nước, NMTĐ Sông Bung 4A phải vận hành xả nước không nhỏ hơn lưu lượng đến hồ. Khi NMTĐ A Vương, Sông Bung 4 và Sông Bung 4A vận hành xả nước, NMTĐ Sông Bung 5 vận hành xả nước không nhỏ hơn lưu lượng đến hồ, bảo đảm dòng chảy sông Vu Gia.

Pháp lệnh là như vậy, mong rằng trong thực tế, các NMTĐ vận hành đúng quy trình. Mặt khác, do mùa cạn quá dài, nên các NMTĐ cần dàn trải, phân bổ sử dụng nước hợp lý, bảo đảm có nước để xả về hạ du vào cuối mùa cạn. Thực tế, từ cuối mùa lũ năm 2014 đến giữa tháng 7-2015, 2 NMTĐ A Vương và Sông Bung 4 phối hợp vận hành tốt, sông Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn (trừ thời điểm tháo đập Bàu Nít để sửa chữa), nhưng từ giữa tháng 7-2015 đến nay, do 2 hồ thủy điện này cạn nước nên sông Cầu Đỏ nhiễm mặn rất nặng.

* Tháng 9-2014, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn rất nặng đến 26 ngày, tháng 9 năm nay tình trạng nhiễm mặn nặng lặp lại, phải chăng nguyên nhân chính là do mỗi khi các NMTĐ bước vào chế độ vận hành mùa lũ (từ ngày 1-9 đến 15-12) thì ít quan tâm đến tình hình nhiễm mặn?

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Lần này, quy trình cũng đã quy định rõ, khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đắk Mi 4 phải xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia không nhỏ hơn 3m3/s, trường hợp có yêu cầu xả lớn hơn của UBND thành phố Đà Nẵng thì hồ Đắk Mi 4 phải xả nước về sông Vu Gia theo yêu cầu nhưng không vượt quá 12,5m3/s.

Trong trường hợp do hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc có yêu cầu bất thường về sử dụng nước, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lập kế hoạch, phương án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất chỉ đạo các hồ điều tiết nước cho hạ du.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng phải thực hiện đóng kín các đập dâng An Trạch và Hà Thanh trừ trường hợp có lũ tiểu mãn và chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng lập kế hoạch, chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch trong trường hợp nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Tuy nhiên, mỗi khi bị nhiễm mặn nghiêm trọng mà cứ gửi văn bản báo cáo, đề xuất như trong thời gian qua thì phải đến rất lâu mới có chỉ đạo các NMTĐ xả nước.

Điển hình, ngay trong ngày 28-7-2015, khi sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng kỷ lục 13.568mg/l, công ty gửi văn bản đến các cơ quan thành phố kiến nghị can thiệp nguồn nước, nhưng mãi đến ngày 19-8, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới ban hành văn bản đề nghị các chủ hồ thủy điện vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia trong khoảng thời gian từ ngày 21-8 đến 31-8-2015. Nước sinh hoạt không thể thiếu 1 ngày và nếu có nguồn nước về sớm thì đẩy mặn rất nhanh, chứ quá chậm trễ thì vừa gây thiếu nước sinh hoạt, vừa khó đẩy mặn.

* Vậy, để chủ động trong khoảng thời gian đó, công ty có biện pháp gì nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Do đang trong quá trình kêu gọi, chuẩn bị đầu tư công trình Nhà máy nước Hòa Liên nên những năm tới, trước khi đưa nhà máy nước này vào hoạt động, chúng tôi tập trung tăng công suất cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch lên từ 240.000-260.000m3/ngày, với 8km đường ống có đường kính 1,2m thì khó lòng tăng công suất lên được nữa.

Đồng thời, chủ động đề xuất sớm để có nguồn nước thủy điện về đẩy mặn sớm, điều hòa áp lực nước hợp lý cấp cho các khu vực. Vào những thời điểm khó khăn đó, chúng tôi mong khách hàng chia sẻ và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.

* Cảm ơn ông!

HOÀNG HIỆP thực hiện

.