.

Làm gì với biến đổi khí hậu

.

Đà Nẵng đang đối mặt với thách thức lớn từ các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, ngay từ bây giờ, cần phải hành động ngay để hạn chế những tác động tiêu cực do BĐKH gây ra trong tương lai.

Đại diện các sở, ngành thành phố và Công ty Akzo Nobel hoàn thiện nước sơn cuối cùng trước khi bàn giao tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh.
Đại diện các sở, ngành thành phố và Công ty Akzo Nobel hoàn thiện nước sơn cuối cùng trước khi bàn giao tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh.

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở khu vực miền Trung mỗi năm mỗi tăng cao. Bên cạnh đó, lượng mưa trong các mùa biến đổi rõ rệt, hạn hán sẽ kéo dài và nhiệt độ cực đoan sẽ nhiều hơn. Bão dù ít, nhưng có khả năng tăng cường độ. Mực nước biển tăng từ 100-400mm vào năm 2050 và tăng mạnh vào cuối thế kỷ XXI.

Điều này đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy như xuất hiện nguy cơ sạt lở, hệ thống thoát nước không đáp ứng, xâm nhập mặn sâu, ô nhiễm nguồn nước… sẽ gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Ông Đinh Quang Cường, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng, cho biết từ năm 2012 – 2014, Đà Nẵng xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với các kịch bản xảy ra về các loại hình thiên tai. Năm 2015, thành phố phê duyệt và triển khai Kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức và các giải pháp thích ứng với BĐKH trên địa bàn thành phố.

Qua đó, thu hút được sự tham gia của các cấp, ngành và đông đảo người dân với nhiều hình thức như vẽ tranh dành cho các em thiếu nhi tại các trường tiểu học; các hội thi tìm hiểu kiến thức, diễn kịch, sân khấu hóa; tuyên truyền việc giảm thiểu sử dụng túi nylon, tăng cường tái chế rác thải, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; hội thi Rung chuông vàng dành cho gia đình hội viên phụ nữ nhấn mạnh yếu tố bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH…

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, những năm qua, thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài trong lĩnh vực BĐKH. Quỹ Rockefeller tài trợ cho thành phố Đà Nẵng về kinh phí và kỹ thuật để thích ứng với BĐKH trong giai đoạn 2009-2015 gần 31 tỷ đồng. 

Trong hàng loạt các dự án đã thực hiện, nổi bật là Dự án “Vì một thành phố có khả năng chống chịu” với mục tiêu thiết lập Quỹ quay vòng hỗ trợ xây dựng nhà chống bão cho các hộ gia đình, phụ nữ nghèo, đơn thân (gọi tắt Tiểu dự án Nhà ở) tại 8 phường ven biển. Dự án này do Hội LHPN thành phố thí điểm.

Thành công của dự án được ghi nhận vào tháng 10-2013, khi cơn bão số 11 (bão Nari) đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió cấp 12, giật trên cấp 13, tương đương với 130km/giờ đã làm sập và tốc mái hàng nghìn ngôi nhà với tổng thiệt hại ước tính hơn 850 tỷ đồng. Qua kiểm tra, khảo sát thì toàn bộ những căn nhà của người nghèo được hỗ trợ từ dự án đều được an toàn, trong khi đó, những hộ dân bên cạnh và các công trình công cộng xung quanh đều bị thiệt hại nặng nề.

Tính đến nay, đã có trên 386 hộ dân được nhận hỗ trợ từ dự án với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng. Với thành công bước đầu, Dự án nghiên cứu khả thi nhân rộng mô hình dự án nhà ở chống bão tại thành phố Đà Nẵng đã đề xuất đối tượng hưởng lợi đến năm 2017 lên đến 15.185 hộ nghèo và 1.575 hộ đặc biệt nghèo tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình “100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng, Đà Nẵng hợp tác với Công ty AkzoNobel thực hiện Dự án “Thành phố Nhân văn” với công trình sơn sửa và bảo dưỡng hai ngôi trường nằm trong vùng chịu tác động của BĐKH.

Công ty AkzoNobel đã tài trợ hơn 4.700 lít sơn và nhân công để sơn sửa mới gần 6.000m2 tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh và Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn). Đây là hành động thiết thực của Akzo Nobel giúp các em học sinh có một môi trường học tập an toàn, khang trang hơn; đồng thời giúp cho người dân nằm trong khu vực dễ bị tổn thương có được nơi trú ẩn an toàn vào mùa mưa bão.

“Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ hạng mục sơn nhà của Dự án “Thành phố Nhân văn”, Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với BĐKH thành phố sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện và Hội LHPN rà soát nhu cầu sơn nhà chống bão cho người nghèo, nhà trú bão đa năng và nhà văn hóa cho cộng đồng. Chương trình được tiếp tục sẽ góp phần nâng cao hoạt động thích ứng với BĐKH trong giai đoạn 2016-2017”, ông Đinh Quang Cường cho hay.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.