.

Ngăn chặn khai thác cát trái phép

.

Thường xuyên tuần tra, xử lý khai thác cát trên sông vào ban đêm; kiểm tra hoạt động mua bán tại các điểm tập kết cát; chuyển đổi ngành nghề cho người làm thuê, đối tượng nghèo đi khai thác trộm... là những giải pháp căn cơ đòi hỏi ngành chức năng phải làm trong thời gian đến.

Công an quận Cẩm Lệ lập biên bản một trường hợp khai thác cát trên sông Vĩnh Điện - đoạn qua địa bàn phường Hòa Xuân.
Công an quận Cẩm Lệ lập biên bản một trường hợp khai thác cát trên sông Vĩnh Điện - đoạn qua địa bàn phường Hòa Xuân.

Diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông chảy qua địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang... diễn ra phức tạp. Theo phản ánh của người dân, địa bàn xảy ra chủ yếu tại các đoạn sông vắng trên sông Vĩnh Điện - khu vực chảy qua địa bàn xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Đây là đoạn sông vắng, rộng, có nhiều cây cối, nằm cách xa khu dân cư nên khi phát hiện cơ quan chức năng, các đối tượng dễ dàng cho ghe, tàu vào ẩn nấp. Việc khai thác cát thời gian qua đã gây ra nhiều đoạn sông bị sạt, lở, không ít ruộng vườn, hoa màu của người dân bị hư hại, trôi sông.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ nhìn nhận, tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông chảy qua địa bàn quận Cẩm Lệ còn nhiều phức tạp. Nếu không vào cuộc giải quyết triệt để thì rất có khả năng việc hút cát gây sạt lở đến sân vận động Hòa Xuân đang thi công. Ngoài việc sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy và tạo ra những hố sâu dưới lòng sông, nhiều ghe lén lút sục vòi vào bờ hút cát khiến hồ nuôi tôm của người dân phường Hòa Xuân bị hư hại; nhiều ngư cụ của bà con ngư dân hành nghề trên sông cũng bị hư hỏng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân xảy ra khai thác cát trái phép trong những năm qua là do bức thiết từ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng. Trong năm 2015, giá cát xây dựng bình quân gần 200.000 đồng/m3 cát xây, 300.000 đồng/m3 cát tô, cát san nền cũng hơn 100.000 đồng/m3. Trong khi đó, lượng cát từ địa bàn Quảng Nam chở ra không đủ để tiêu thụ, mà Đà Nẵng lại không còn cấp phép khai thác cát tại các tuyến sông này...

Cần ngăn chặn quyết liệt

Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, UBND các quận, huyện vào cuộc xử lý. Thực hiện chỉ đạo đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, xử lý cũng được các ngành, địa phương triển khai ráo riết.

Ở quận  Cẩm Lệ, trong 10 tháng qua, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, Công an quận Cẩm Lệ đã triển khai nhiều đợt ra quân tuần tra, mật phục và xử lý kiên quyết 7 trường hợp khai thác cát trái phép trên tuyến sông chảy qua địa bàn quận, có trường hợp bị xử phạt số tiền lên đến 40 triệu đồng.

Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) tiến hành tuần tra, truy bắt đối tượng khai thác cát trái phép trên sông. Qua công tác mật phục, trong tháng 8-2015, PC49 Công an thành phố phát hiện, xử lý 3 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Vĩnh Điện.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ngành chức năng, công tác này chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Vì vậy, muốn giải quyết tận gốc tình trạng này, phải chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh, mua bán của các điểm tập kết cát, sỏi. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thu mua.

Nếu những trường hợp thu mua cát không rõ nguồn gốc thì phải xử lý, thậm chí rút giấy phép hoạt động. Cùng với đó, cần phải chuyển đổi ngành nghề cho những trường hợp chuyên đi khai thác cát thuê, các trường hợp nghèo, vay mượn để mua ghe, tàu đi khai thác cát trái phép... Giải quyết căn cơ, gốc rễ như vậy thì tình trạng khai thác cát trái phép trên sông mới thuyên giảm.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.