Môi trường
Thủy điện Sông Bung 4 xả lũ, cảnh báo triều cường cao và sóng lớn
Chiều 2-11, thủy điện Sông Bung 4 tiến hành xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng từ 150-550m3/s theo lệnh xả tràn hồ chứa của tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia cảnh báo triều cường cao kết hợp sóng lớn do bão số 12 đang thẳng tiến vào Nam Trung bộ.
Thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia từ chiều 2-11 với lưu lượng từ 150-550m3/s. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bảo đảm tối đa an toàn đập và hạ lưu
Hồ thủy điện Sông Bung 4 tiến hành xả lũ qua tràn kết hợp phát điện với tổng lưu lượng từ 150-550m3/s nhằm đưa mực nước hồ từ 217,13m về 214,3m, tương đương trữ lượng lũ xả về hơn 40 triệu m3. Thủy điện Đăk Mi 4 cũng đang vận hành xả lũ qua tràn kết hợp phát điện nhằm chuẩn bị ứng phó đợt mưa lớn kéo dài sắp đến...
Các hồ thủy điện bậc thang ở cuối sông Bung như: Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 cũng tiến hành xả lũ của tràn hoặc qua tràn tự do. Các hồ thủy điện xả lũ trong lúc Trung tâm KTTV quốc gia cảnh báo triều cường cao kết hợp sóng lớn do bão số 12, gây lo lắng cho người dân hạ du, nhất là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vì đang ngập lụt sâu từ ngày 1-11.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng lưu ý tỉnh cần tham khảo, liên hệ chặt chẽ các kênh dự báo, chủ động phối hợp tốt công tác vận hành liên hồ chứa, cân nhắc phương án xả lũ để vận hành bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng.
Đối với nhà máy thủy điện A Vương, lãnh đạo nhà máy túc trực thường xuyên, thực hiện tốt theo phương án diễn tập, tăng cường bảo vệ công trình để vừa vận hành phòng chống thiên tai, vừa bảo đảm cấp điện cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 theo phương án đã định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định sẽ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai và phối hợp bảo đảm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đặc biệt có những chỉ đạo kịp thời để bảo đảm tối đa an toàn đập và hạ lưu trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ.
Sẵn sàng phương án phòng, chống bão
Cũng trong ngày 2-11, tại cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 có tên Damrey (Con voi) của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lãnh đạo Trung tâm KTTV quốc gia lưu ý cảnh báo các địa phương ven biển về triều cường cao kết hợp với sóng lớn có thể đe dọa hệ thống đê biển và gây ngập lụt cho các vùng thấp trũng do lũ chậm thoát ra biển. Từ chiều và đêm 3-11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ...
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lưu ý các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Damrey cần sẵn sàng phương án phòng chống bão, thông báo tàu, thuyền hướng đi của bão; giám sát, bảo vệ các công trình đê biển đang xây dựng; theo dõi sát sao và sẵn sàng thực hiện các phương án bảo đảm an toàn công trình hồ thủy điện, thủy lợi...
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo chủ động ứng phó bão và mưa lũ đến các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho hay, đến 15 giờ chiều 2-11, không có tàu, thuyền của Đà Nẵng hoạt động ở vùng biển nguy hiểm, hiện chỉ có 3 tàu/15 lao động đang hoạt động ở vùng biển Hải Phòng, 2 tàu/15 lao động ở vùng biển Nghệ An - Quảng Bình, 3 tàu/36 lao động ở vùng biển Quảng Ngãi và 19 phương tiện/188 lao động đang hoạt động ở vùng biển Đà Nẵng.
Bão kết hợp không khí lạnh
Theo Trung tâm KTTV quốc gia, đến 13 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão số 12 ở vào khoảng 12,8 độ vĩ Bắc, 112,0 độ kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Đến 13 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Vùng nguy hiểm do bão (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 11-15 độ vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên từ ngày 3-11, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh. Từ đêm 2-11, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Trong ngày 3-11, ở vùng biển ngoài khơi phía nam các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang tiếp tục có mưa giông, gió giật cấp 6-7.
Theo Đài KTTV Trung Trung bộ, ngày 3-11, trên đất liền Đà Nẵng có mưa vài nơi vào sáng sớm, ngày nắng. Gió bắc đến đông bắc cấp 2-3. Trên biển Đà Nẵng có mưa vài nơi, gió bắc đến đông bắc cấp 5, sau đó tăng lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động, độ cao sóng tăng dần lên 2-3m. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có mưa rải rác, gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 9-10, biển động, độ cao sóng 2,5-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
HOÀNG HIỆP