ĐNO - Chiều 24-3, trận mưa có cường độ lớn đã làm nước mưa lẫn nước thải dâng cao trong các cống và phá vỡ các đập đắp bằng bao cát ở bên ngoài cống xả để tuôn ra biển.
Đập bao cát đằn các cửa van và ngăn nước thải đã bị cuốn trôi do nước trong cống quá lớn. |
Trước đó, từ đầu tháng 3-2019 đến nay, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiến hành đắp các đập bằng bao cát trước các cống xả ra biển, vừa chèn các cửa van, không cho mở cửa van khi áp lực nước thải cao trong cống, vừa chặn nước thải chảy tràn ra biển.
Tuy nhiên, trận mưa có cường độ lớn với lượng mưa đo được khoảng 40mm/giờ vào chiều 24-3 đã làm nước mưa lẫn nước thải dâng cao trong hệ thống cống, tạo ra các áp lực mạnh lên các cửa van và phá vỡ các đập bằng bao cát đắp phía trước. Nước cống tuôn xối xả ra biển Mỹ Khê, Mỹ An, phía bắc Công viên Biển Đông…
Tại cống xả Mỹ Khê, áp lực nước đã làm bung 2 cửa trong tổng số 6 cửa van. Toàn bộ 6 cửa van của cống xả Mỹ An cũng bung ra cho nước tuôn ra biển. Toàn bộ đập đắp bằng bao cát trước các cửa xả bị cuốn trôi hoàn toàn. Rất nhiều rác thải cùng mỡ động vật và thực phẩm vón cục do các nhà hàng, hộ dân thải vào trong cống cũng tuôn ra các bãi biển.
“Toàn bộ các đập đắp bằng bao cát tại 8 cống xả dọc bãi biển đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp đều bị nước cuốn trôi. Nhờ các đập bao cát này mà gần 1 tháng, nước thải không tràn ra các bãi biển, nhưng mưa có cường độ lớn trong 1 giờ đã cuốn trôi hoàn toàn đập bao cát, nước mưa lẫn nước thải chảy ra biển.
Nhân viên của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng có mặt tại các cống xả ra biển để thu gom rác thải, vệ sinh rại các rãnh nước và tiến hành san gạt, lấp cát vào các rãnh nước chảy ra biển, ưu tiên bãi biển phía trước 3 cống xả Mỹ Khê, Mỹ An và phía bắc Công viên Biển Đông”, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay.
Nhân viên của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thu gom các loại rác thải và thực phẩm, mỡ để tránh gây ô nhiễm bãi biển. |
Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP