.

Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020

.

Là trung tâm kinh tế của miền Trung, với nhiều lợi thế so sánh vốn có và các điều kiện tự nhiên thuận lợi khác, Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu trở thành Thành phố Công nghiệp vào năm 2020. Đây là mục tiêu rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong tương lai nói riêng và của cả nước nói chung.

Để đạt được mục tiêu này, hơn 11 năm qua, kể từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ngành công nghiệp (CN) đã được sự quan tâm, đầu tư và kêu gọi đầu tư bằng những chính sách khuyến khích đạt hiệu quả cao. Đồng thời, sự nỗ lực của các cơ sở CN thành phố và các đơn vị từ các địa phương khác đến đã có sự đầu tư, đổi mới thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần quyết định để ngành CN không ngừng tăng trưởng trong những năm qua với tốc độ đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CN trong 11 năm qua đều đạt 20%/năm. Đến cuối năm 2007, sản lượng CN đạt trên 10 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 1997. Tỷ trọng GDP của ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt trên 48%, tăng 13% so với năm 1997. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành CN - TTCN tăng bình quân 12,9%/năm, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi cơ cấu kinh tế của thành phố.

Dệt may - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố có tốc độ phát triển nhanh.

Kiên trì mục tiêu trên, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Giải pháp đầu tiên phải kể đến là việc lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn cho từng thời kỳ để đầu tư phát triển một cách bền vững. Đó là việc lựa chọn các ngành hải sản và chế biến hải sản, dệt-may, da giày, cao su... mà thành phố đang có thế mạnh. Đây là các ngành có truyền thống, có cơ sở vật chất và đội ngũ người lao động giàu kinh nghiệm, thu hút lượng lao động xã hội rất lớn. Tuy nhiên, thành phố cũng ưu tiên và kêu gọi các cơ sở đầu tư những ngành có hàm lượng công nghệ cao, khuyến khích các cơ sở có các sản phẩm cơ khí sản xuất tư liệu sản xuất, từng bước thay thế các vật tư, hàng hóa nhập ngoại. Để có sự phát triển bền vững, thành phố đã đặc biệt ưu tiên và khuyến khích các cơ sở đầu tư công nghệ ít ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, một số cơ sở sản xuất thép, các sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng... đã có tốc độ tăng trưởng cao. Không ít sản phẩm có uy tín và thương hiệu được thị trường trong và ngoài nước tín nhiệm.

Một số ngành CN gắn với thế mạnh của địa phương cũng được ưu tiên phát triển, chẳng hạn như ngành sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Từ một cơ sở sửa chữa tàu thuyền, sau một thời gian đầu tư, đến nay Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng có thể đóng mới được các loại tàu thuyền có tải trọng tới 30.000 tấn. Ngoài ra, các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là các DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực chế biến, thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống cũng có bước phát triển khá, thu hút một lượng lao động đáng kể.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, nhằm phát triển và khai thác tốt hơn nữa các thế mạnh, bắt đầu từ năm 2005, thành phố đã ưu tiên và kêu gọi các nhà đầu tư vào các ngành công nghệ cao theo hướng “đi tắt, đón đầu”, trong đó công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng Trung tâm Công nghệ phần mềm là bước đi mạnh dạn, hứa hẹn nhiều triển vọng. Đồng thời, ngành CN cũng ưu tiên cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực này như triển khai 2 dự án sản xuất một số linh kiện và lắp ráp máy tính và các thiết bị điện tử, phấn đấu đến năm 2010, các cơ sở này sẽ sản xuất khoảng 20.000 máy tính và nhiều chi tiết quan trọng của máy, thay cho các sản phẩm nhập ngoại như ổ cứng, các loại bảng mạch và nhiều linh kiện nhập ngoại khác. Nhiều chương trình thu hút các DN sản xuất các ngành hàng có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ cao đã và đang được sự quan tâm của các hãng sản xuất tên tuổi trên thế giới.

Hy vọng với chính sách đúng, phù hợp, nhất là các chính sách thu hút vốn đầu tư được coi là “thoáng” cùng với hạ tầng cơ sở ngày càng được hoàn thiện, hiện đại, mục tiêu trở thành Thành phố Công nghiệp vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

 

;
.
.
.
.
.