.

Không nâng giá cước vận tải, nhưng...

.

Ngày 2-4-2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã có Công điện số 22/CĐ-BGTVT gửi các DN vận tải, dịch vụ sản xuất ngành GTVT yêu cầu không được tăng giá các dịch vụ vận tải trong giai đoạn hiện nay, nhằm cùng Chính phủ thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định sản xuất. Đây là chủ trương được các DN ủng hộ, vậy nhưng…

Giá cước taxi vẫn chưa tăng.

Tính từ thời điểm cuối năm 2007 đến nay, thị trường xăng dầu đã 2 lần tăng giá, điều này buộc các đơn vị vận tải phải đồng loạt tăng giá cước, trung bình khoảng 10%. Tuy nhiên, theo các DN kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, với mặt bằng chung giá cả trên thị trường liên tục tăng như hiện nay, việc giữ được giá là nỗ lực rất lớn.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Datranco, chủ trương của đơn vị luôn cố gắng giữ giá cước thấp nhất có thể. Chính vì vậy trong bối cảnh hầu như tất cả đầu vào đều tăng như xăng, lương nhân viên... thì việc điều hành có tính sống còn nhằm tiết kiệm ở mức có thể chấp nhận được. Ví dụ, với đội xe taxi của tập đoàn, việc điều xe phải thật khoa học, để giảm thiểu tình trạng xe chạy “rỗng” từ vị trí này đến vị trí khác để đón khách mới. Thế nhưng thời gian qua, hoạt động taxi của đơn vị cố gắng lắm mới không lỗ, chủ yếu là nhờ doanh thu từ các lĩnh vực khác bù đắp lại. Vì vậy theo chị Thu Thủy, thời gian đến nếu không có gì thay đổi, khả năng tăng giá cước vận tải là khó tránh khỏi.

Những khó khăn này ngay như “đại gia” trong ngành GTVT là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ cũng không thể tránh khỏi. Theo báo cáo tài chính của công ty năm 2007 cho biết, giá xăng tăng, bên cạnh là việc đầu tư phương tiện liên tục tăng từ 10 - 20%, nhất là giá vật liệu xây dựng tăng nhanh, đã ảnh hưởng không ít đến việc xây dựng các trạm nghỉ chân. Tất cả điều này khiến cho việc giữ giá cước vận tải luôn là vấn đề nan giải.

Tuy vậy, lãnh đạo công ty tỏ ra rất tin tưởng về kế hoạch kinh doanh mới của mình sẽ “bù đắp” được những khó khăn hiện nay. Đó là tổ chức khép kín mạng lưới đại lý bán vé để khai thác tối đa lượng khách trên mỗi chuyến xe, đồng thời chuyển số xe chạy cố định ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình thành công ty TNHH một thành viên vận tải tốc hành, bên cạnh mở một số tuyến xe mới sang Lào và Campuchia. Với những nỗ lực mới này, công ty tin tưởng đủ sức cân đối thu -chi để giữ được giá vé trên tất cả tuyến đường, loại hình taxi hay vận tải khách đường dài.

Cân đối các lĩnh vực kinh doanh khác nhau để bảo đảm giữ giá cước là biện pháp chính của các đơn vị kinh doanh đa ngành nghề, vì thế cũng dễ hiểu các đơn vị nhỏ chỉ chuyên kinh doanh vận tải hành khách gặp khó khăn là điều không lạ. Mặc dù sau đợt tăng giá vào dịp Tết Mậu Tý vừa qua, đến nay, các đơn vị vận tải vẫn cố giữ mức giá mới này mà chưa thay đổi.

Thế nhưng theo phân tích của các đơn vị, kéo dài thời gian này là rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Như Thành, chủ xe chạy tuyến đường Đà Nẵng-Huế cho biết: Trước Tết, vé đi Đà Nẵng-Huế là 28 ngàn đồng, gần đây đã tăng lên 35 ngàn đồng. Với xe 12 chỗ ngồi, trung bình mỗi chuyến tăng thêm khoảng 70 ngàn đồng, trong khi tiền xăng tăng thêm khoảng 100 ngàn đồng. Ngoài ra, phải tăng tiền lương cho tài xế và phụ xe 30 ngàn đồng/ chuyến. Tính ra thu nhập giảm so với lúc chưa tăng giá xe. Với tuyến đường trung thì như vậy, còn tuyến đường dài thì nhiều chủ phương tiện cho rằng: Chạy càng nhiều thu nhập càng giảm.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ để góp phần ổn định tình hình kinh tế của đất nước, tuy nhiên, theo các DN, những nỗ lực tự thân của họ là chưa đủ mà cần phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì khả năng không tăng giá các sản phẩm của ngành vận tải mới thực hiện tốt.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.