Kinh tế

Miền Trung - Tây Nguyên

"Đất lành" mời gọi đầu tư

14:27, 01/04/2008 (GMT+7)
Tại Hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” diễn ra ngày 27-3-2008 tại Đà Nẵng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có những phát biểu đánh giá tầm quan trọng về vị trí, lợi thế tiềm năng kinh tế cũng như các khó khăn, vướng mắc và tồn tại của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Phóng viên Báo Đà Nẵng xin lược ghi phát biểu của các đồng chí Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư; Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và trả lời báo chí của ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital.


Ông TRẦN VĂN MINH, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng:

Đà Nẵng luôn sẵn sàng hợp tác phát triển 
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, trong đó xu hướng “làn sóng đầu tư” hướng về miền Trung là một trong những cơ hội rõ rệt nhất. Đà Nẵng với vị thế và những thành công bước đầu trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa mong muốn được hợp tác phát triển cùng tất cả các địa phương trong khu vực nhằm hướng đến một miền Trung có kinh tế phát triển năng động, hiện đại, thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia, hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ, xây dựng kinh tế phát triển bền vững. 
Chúng tôi cho rằng, Hội thảo lần này là một trong những cơ hội quý giá để chúng ta giới thiệu, trao đổi về các cơ hội đầu tư kinh doanh, tăng cường hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương miền Trung để cùng nhau phát triển.


Ông NGUYỄN BÍCH ĐẠT, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 
Một trong năm mục tiêu thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội miền Trung-Tây Nguyên là việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đến phát triển bền vững của khu vực. Theo hướng này, cần tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, ODA, kể cả thu hút tư nhân trong và ngoài nước để xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm thông suốt, gắn kết với các vùng phụ cận; nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển với vùng phía Tây, đường Hồ Chí Minh, bảo đảm kết nối giao thông đường bộ giữa miền Trung với các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS). Hệ thống các cảng biển của vùng sẽ được đầu tư, nâng cấp để sớm đi vào khai thác quy mô lớn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài và các sân bay quốc nội khác tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư cho cả vùng. Trong danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đến năm 2020 và danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài thời kỳ 2006-2010, có nhiều dự án cấp quốc gia với quy mô thu hút đầu tư hàng chục tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này.


Ông PETER RYDER, Tổng Giám đốc Indochina Capital:
Nhà đầu tư phải triển khai nhanh chóng và hiệu quả
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn với những lợi thế như: Các dải đất ven biển có tiềm năng về du lịch; địa lý thuận lợi để xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển... Những tiềm năng đó luôn là lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong thời gian qua, chúng tôi rất cảm kích về sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và triển khai thực hiện dự án của chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng là yếu tố để chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư, chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, khu công nghiệp và hậu cần khu công nghiệp tại khu vực này... Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng tôi rút ra trong quá trình đầu tư thành công, chính là nhà đầu tư phải có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, cụ thể và triển khai các dự án một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Về phía chính quyền địa phương, cần tận dụng và khai thác tối ưu tiềm năng về giao thông; tăng cường quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng đồng thời là những thách thức phải đối mặt trong quá trình thu hút đầu tư phát triển.

N.T lược ghi


.