.

Ngư dân với giá dầu tăng

.

Cảng cá Thuận Phước trước đây tàu thuyền ra vào tấp nập, thế nhưng từ sau Tết đến nay nhiều chiếc công suất lớn phải “án binh bất động”. Ông Hồ Ngọc Phước (Xuân Hòa, Thanh Khê) đang là chủ của đôi tàu 300 mã lực tâm sự: “Muốn thực hiện một chuyến đi biển, đôi tàu này cũng cần đến 15 nhân công và 15.000 lít dầu nhưng tính ra thì có đi về cũng không đủ tiền dầu, nên từ Tết đến giờ đành nằm vậy”.

10 ngày ra khơi...

Sau Tết, hàng chục chiếc tàu không thể hoạt động vì giá xăng dầu tăng vọt.

Sáng ngày 10-4-2008, chiếc tàu 45 mã lực của anh Đặng Văn Thọ (37 tuổi, ở phường Phước Mỹ) cập bến ở khu An Vĩnh, sau 10 ngày lênh đênh trên biển. Chi phí cho chuyến đi là 55 triệu đồng, nhưng lượng cá đánh được, sau khi bán cho thương lái tính ra giá thành chỉ có 41 triệu đồng. Vậy là, 10 ngày đi cùng 8 bạn thuyền, chuyến tàu này anh lỗ 14 triệu đồng. Từ sau Tết âm lịch đến giờ, anh là một trong số những ngư dân hiếm hoi của làng biển thực hiện được 3 chuyến ra khơi. Anh tâm sự: “20 năm lăn lộn với nghề biển, nhưng chưa bao giờ bọn tui lại bị lỗ đến như vậy”.

Theo anh Thọ, 10 ngày đánh bắt vừa rồi, tàu của anh đã tiêu hao hết 3.200 lít dầu, với mức giá hiện nay là 13.900 đồng/lít, riêng tiền dầu đã tốn trên 44 triệu đồng. Thế mà tiền cá thu được chưa đủ để thanh toán tiền dầu, chưa nói đến những khoản chi phí khác như tiền ăn của 8 người là 5 triệu đồng; 300 cây đá ướp cá 3,3 triệu đồng; tiền bạn thuyền ứng trước mỗi người từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, tiền hao mòn ngư lưới cụ... tính ra cũng trên 10 triệu đồng.

Mặc dù chuyến đi biển thất bại và biết chắc với giá xăng dầu như hiện nay sẽ còn nhiều chuyến ra khơi như vậy, nhưng anh Thọ vẫn mạnh dạn thay đầu máy 150 mã lực cho đầu máy 45 mã lực hiện tại của mình. Khi được hỏi về sự đầu tư mạo hiểm này, anh chua xót: “Biết làm sao nữa hả chị? Bao đời nay lăn lộn với nghề biển, giờ lên bờ tui không biết làm nghề chi để kiếm ăn, với lại, thay máy lớn còn đánh được nhiều cá hơn, đằng nào cũng bỏ công, bỏ tiền ra.

Hơn thế nữa, làm thế này để giữ chân bạn thuyền, không thì họ bỏ nghề hết, đến lúc cần biết kêu ai. Giống như tàu ông Hòa kia kìa, từ Tết đến giờ phải nghỉ, thế là bạn thuyền cũng bỏ đi kiếm việc khác hết, giờ muốn ra khơi, chuẩn bị hết mọi thứ rồi mà kiếm mãi không ra người đi cùng”. Hiện tại ở khu An Vĩnh có trên 50 tàu lớn nhỏ nhưng chỉ có 6 chiếc còn hoạt động.

Dầu tăng, ngư dân trở thành con nợ

Cảng cá Thuận Phước trước đây tàu thuyền ra vào tấp nập, thế nhưng từ sau Tết đến nay nhiều chiếc công suất lớn phải “án binh bất động”. Ông Hồ Ngọc Phước (Xuân Hòa, Thanh Khê) đang là chủ của đôi tàu 300 mã lực tâm sự: “Muốn thực hiện một chuyến đi biển, đôi tàu này cũng cần đến 15 nhân công và 15.000 lít dầu nhưng tính ra thì có đi về cũng không đủ tiền dầu, nên từ Tết đến giờ đành nằm vậy”. Trước kia, khi giá dầu dưới 10 nghìn đồng/lít, mấy đại lý bán xăng dầu còn cho ngư dân nợ gối đầu, sau khi đi biển về rồi trả, nhưng từ ngày dầu lên 13.900 đồng/lít thì họ bắt phải trả tiền trước vì sợ khi đánh cá về không đủ tiền thanh toán, trong lúc đại đa số dân biển không thể có một lúc vài chục triệu để trả tiền dầu.

Xót xa nhất vẫn là trường hợp của ông Cường và anh Nguyễn Phụng (Thạch Đức 2, Phổ Thạch, Đức Phổ, Quảng Ngãi). Sau Tết, thực hiện được một chuyến đi biển về cập cảng ở bến cá Thuận Phước, mỗi chủ tàu lỗ trên 10 triệu đồng, thế là nằm lại ở cảng cá này hơn 1 tháng nay. Gia đình ông Cường thì người vợ và hai đứa con “cơm đùm, gạo bới” từ Quảng Ngãi ra để giữ đôi tàu 200 mã lực trị giá trên 1 tỷ đồng. Còn vợ chồng anh Nguyễn Phụng đã hơn 1 tháng nay sống vất vưởng bằng những bữa cá xin được của những chủ tàu khác vào mỗi sáng cập cảng. Ở nhà, 2 đứa con nhỏ gửi nhờ ông bà nội ngoại nuôi, hai vợ chồng anh nằm lại ở cảng cá Thuận Phước để bảo quản đôi tàu 150 mã lực là tài sản giá trị nhất của gia đình.

Từ giá dầu tăng cao, đã có nhiều ngư dân của quận Sơn Trà rao bán tàu, chấp nhận thua lỗ hàng chục triệu đồng nhưng không phải chiếc nào cũng bán được. Nhiều trường hợp phải xẻ tàu bán phế liệu; chiếc tàu khi đóng trị giá hàng trăm triệu đồng, giờ đưa lên bán “xả bản” may lắm cũng chỉ được mươi lăm triệu đồng. Trong khi đó hầu hết số tiền tậu tàu trước đây đều là tiền vay nợ, cầm cố tài sản mà phần lớn chưa trả hết nợ.

Với tình cảnh như hiện nay, ra khơi hay không thì ngư dân đều đã trở thành những con nợ. Làng biển đã và đang cần lắm những sự hỗ trợ.

Bài và ảnh: LÂM THANH

;
.
.
.
.
.